Bảo tồn “điểm nhấn” kiến trúc đô thị Hà Nội
Kiến trúc - Ngày đăng : 06:20, 26/04/2022
Nhiều cái khó trong bảo tồn
Trên địa bàn Thủ đô, biệt thự cũ chủ yếu được xây dựng từ trước năm 1954, có kiến trúc Pháp, hoặc kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông. Đây là mảng quan trọng tạo ra quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và có giá trị ở Hà Nội. Đa phần các công trình có diện tích lớn, án ngữ tại các vị trí đẹp ở một số quận trung tâm như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ và Đống Đa.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh, qua rà soát, đánh giá, phân loại, thành phố đã xác lập được danh mục gồm 1.261 biệt thự cần quản lý, bảo tồn. Phân loại theo hình thức sở hữu và quản lý, có 367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước; 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp (Nhà nước, các hộ dân) và 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.
Trong quá trình sử dụng, nhiều hộ ở đã lấn chiếm, tự hoạch định diện tích sân, vườn, lối đi chung và xây dựng, cải tạo trái phép, không phép, gây ra tình trạng xuống cấp hoặc biến dạng công trình. “Nhà biệt thự do nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nên nhiều trường hợp không có hồ sơ quản lý, không cập nhật về tình trạng biến động, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Cũng do nhiều thành phần quản lý, sở hữu, sử dụng nên việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ bảo trì, cải tạo, sửa chữa rất khó khăn. Các hộ gia đình vẫn trông chờ vào Nhà nước. Tiền thuê nhà do Nhà nước thu được không đủ để sửa sữa, bảo trì biệt thự. Việc quản lý, khai thác, cho thuê biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước chưa thực sự hiệu quả”, ông Mạc Đình Minh nêu một số khó khăn từ thực tiễn.
Kỳ vọng từ những giải pháp gỡ khó
Hiện, Sở Xây dựng Hà Nội đã hoàn tất việc khảo sát, đánh giá chất lượng 1.216 biệt thự và lập danh sách các biệt thự đã xuống cấp, nguy hiểm cần kiểm định chất lượng công trình; lên kế hoạch lập hồ sơ 3D trên cơ sở hồ sơ lưu trữ của thành phố cùng nhiều nguồn khác và kế hoạch số hóa dữ liệu hồ sơ quản lý.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đây là giải pháp trước tiên thành phố cần thực hiện, trong đó ưu tiên tập trung với biệt thự nhóm 1 vì qua nghiên cứu khoa học và kiểm tra sơ bộ, đây là loại công trình còn tương đối nguyên trạng. Ngoài ra, các quy định bảo tồn cũng phải hướng tới phát huy giá trị và tạo thuận lợi cho người sở hữu công trình, có định hướng hợp lý trong khai thác sử dụng. Công trình biệt thự không nhất thiết chỉ dành để ở mà tùy từng vị trí, có thể cho khai thác làm du lịch, dịch vụ nhằm quảng bá giá trị công trình.
Từ hiện trạng về quản lý nhà đất tại địa bàn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, qua rà soát toàn bộ quỹ biệt thự, thời gian tới, quận ưu tiên bảo tồn các biệt thự có giá trị do Nhà nước đang quản lý, trùng tu theo đúng kỹ thuật của ngành bảo tồn. Với các công trình do tư nhân quản lý, việc tu bổ, bảo tồn gặp khó khăn vì việc phân bổ các diện tích sử dụng chung trong một số nhà rất phức tạp, sở hữu chưa thống nhất, vì vậy quận tiếp tục tính toán kỹ các giải pháp để cải tạo; trước mắt khống chế không để phát sinh việc cơi nới, tránh làm công trình xuống cấp thêm.
“Hà Nội cần xem xét lựa chọn những biệt thự tiêu biểu, có giá trị về nghệ thuật kiến trúc để tu bổ, tôn tạo và bảo tồn. Khi các biệt thự đã được phục hồi nguyên trạng hình thức kiến trúc ban đầu, sẽ giao cho các đơn vị nhà nước hoặc tư nhân sử dụng vào kinh doanh, du lịch. Để làm được việc này phải có quy định hết sức rõ ràng và cơ chế giám sát chặt chẽ; phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời cần có cơ chế để các tổ chức, cá nhân chung tay cùng thành phố bảo tồn biệt thự có giá trị, vì chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ khó thực hiện hiệu quả”, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu ý kiến.
Được biết, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, ngoài nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, về kỹ thuật, chuyên đề đã đưa ra các giải pháp tạo lập nguồn vốn cùng cơ chế hỗ trợ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia cải tạo, chỉnh trang, tái thiết nhà cổ, biệt thự cũ… Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc, giúp công tác lưu giữ, bảo tồn giá trị kiến trúc các công trình biệt thự cổ trên địa bàn thành phố có chuyển biến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.