Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu nông sản
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:26, 26/04/2022
Tổng kim ngạch đạt hơn 12,8 tỷ USD
Quý I-2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước đạt hơn 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước (tháng 3-2022 là 4,7 tỷ USD, tăng 47,1% so với tháng trước đó). Hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu đều ghi nhận sự tăng trưởng, trong đó nhóm nông sản chính (lúa gạo, cà phê, cao su…) đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng 12,8%; thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7%...
Đáng chú ý, xuất khẩu gạo quý I-2022 đạt tới 715 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho biết: Doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU. Số lượng gạo Việt Nam vào thị trường này chưa nhiều nhưng giá bán cao, đạt khoảng 1.000 USD/tấn. Đây là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Giá trị xuất khẩu nông sản quý I-2022 tăng mạnh do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các doanh nghiệp đã linh hoạt tiếp cận các thị trường lớn. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết: Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam với kim ngạch đạt gần 3,5 tỷ USD (chiếm 27,1% thị phần), trong đó nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào Mỹ. Thứ hai là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2,1 tỷ USD (chiếm 16,6% thị phần), trong đó nhóm sản phẩm cao su chiếm 29,0% tỷ trọng. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 872 triệu USD, Hàn Quốc khoảng 562 triệu USD.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, trong quý I-2022, ngành Nông nghiệp đã chủ động trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt “mục tiêu kép”. Bộ NN&PTNT cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đàm phán mở cửa thị trường, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu nông sản…
Hướng xuất khẩu vào thị trường lớn
Theo dự báo, nhu cầu lương thực, thực phẩm trên thế giới sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và là cơ hội cho nông sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 và những biến động phức tạp về chính trị trên thế giới như hiện nay sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến việc kết nối thị trường. Trong khi đó, nhiều nước nhập khẩu đã tăng cường các biện pháp giám sát chất lượng…Với tình hình trên, dự báo, xuất khẩu thủy sản ở những tháng tiếp theo sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ những biến động trên thị trường quốc tế, tuy nhiên nhóm hàng này vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng ở các nước, khu vực như Hoa Kỳ, EU khi hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đã trở lại trạng thái bình thường.
Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình thông tin: Công ty sẽ đẩy mạnh khai thác các thị trường lớn, có giá trị cao như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Thời gian tới, công ty tiếp tục chủ động liên kết, xây dựng các vùng sản xuất gạo chất lượng cao để đáp ứng những đơn hàng từ các thị trường lớn, tiềm năng này.
Cùng với việc chú trọng theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại địa phương trong nước trong điều kiện mới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Bộ NN&PTNT triển khai cập nhật hệ thống phần mềm dữ liệu cung cầu nông sản từ địa phương; tăng cường kết nối, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các vùng sản xuất trọng điểm và tại các cửa khẩu chính với Trung Quốc.
Mặt khác, ngành Nông nghiệp sẽ không ngừng thúc đẩy các hoạt động mở cửa thị trường; cùng với đó là cung cấp thông tin cũng như các quy định về thị trường, về kiểm soát xuất nhập khẩu cho các địa phương, doanh nghiệp. “Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ chuẩn bị nội dung làm việc song phương với cơ quan chức năng của các nước: Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đi châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm.
Cơ hội và các khó khăn, thách thức đều đang ở phía trước. Sự vào cuộc quyết liệt của Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng cũng như sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong việc giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tế sẽ tạo động lực cho thành công mới của xuất khẩu nông sản Việt Nam.