Khánh thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Giao thông - Ngày đăng : 12:27, 27/04/2022
Tuyến cao tốc huyết mạch này có chiều dài 51km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương), điểm cuối là nút giao An Thái Trung (Tiền Giang).
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: “Tuyến cao tốc đi vào hoạt động đã hiện thực hóa lời hứa của Chính phủ với hơn 20 triệu đồng bào vùng Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển hạ tầng giao thông trong khu vực. Sẽ còn nhiều dự án giao thông nữa được thực hiện trong 5 năm tới với tổng vốn đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh toàn vùng”.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ các dự án trong khu vực, quyết tâm khánh thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km (tổng mức đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng) và cầu Mỹ Thuận 2 (tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng) trong năm 2023; phấn đấu khởi công đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 109km, tổng mức đầu tư trên 27.000 tỷ đồng trong tháng 10-2022 và hoàn thành vào cuối năm 2025.
Cùng với đó, các bộ, ngành và địa phương sẽ phối hợp khởi công đoạn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chiều dài 191km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng trên 52.000 tỷ đồng, hoàn thành năm 2025; đầu tư đoạn An Hữu - Cao Lãnh dài 27km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng; chuẩn bị đầu tư đoạn Mỹ An - Cao Lãnh 27km, dự kiến tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng; đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi, tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng; đầu tư nâng cấp đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ 29km, dự kiến tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng; nâng cấp Lộ Té - Rạch Sỏi 51km, khoảng 750 tỷ đồng…
Sau lễ khánh thành, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào lưu thông hai chiều trên tuyến chính không thu phí trong 60 ngày. Thời gian hoạt động từ 7h30 ngày 30-4. Ô tô được chạy với tốc độ tối thiểu 60km/h, tối đa 80km/h.
Tuyến đường này được khởi công vào tháng 11-2009. Ban đầu, dự án có quy mô mặt đường rộng 25,5-26,5m cho 4 làn xe chạy với vận tốc 120km/h và có hai làn dừng xe khẩn cấp với tổng vốn đầu tư 19.000 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành vào quý II-2013.
Tuy nhiên, do gặp nhiều vấn đề, dự án chỉ thực hiện được 10% khối lượng thi công trong suốt 10 năm. Đến tháng 3-2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án. Tổng mức đầu tư là 12.668 tỷ đồng và được đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), trong đó, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng, còn lại là vốn BOT.
Sau khi tái khởi động, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã huy động hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân… ngày đêm thi công, nhờ đó, tiến độ được đẩy nhanh. Hiện mặt đường toàn tuyến rộng 16m, gồm 4 làn xe. Cao tốc chưa có làn khẩn cấp, mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp. Dự kiến thời gian tới, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được mở rộng thành 6 làn xe (tăng thêm 2 làn dừng khẩn cấp so với hiện tại).