Huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 16:08, 27/04/2022
Tại điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tinh thần "quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm thật, làm quyết liệt, làm ra hiệu quả, ra sản phẩm”, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.
Thủ tướng nêu rõ, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Doanh thu từ kinh tế số đạt khoảng 53 tỷ USD
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, trong quý I-2022, ước tính kinh tế số đạt doanh thu khoảng 53 tỷ USD, đóng góp 10,2% tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số (kết nối với 8 bộ, ngành để bổ sung dữ liệu).
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 23 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ được cấp số định danh.
Hệ thống hóa đơn điện tử đã được Bộ Tài chính triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, với hơn 77,7 triệu hóa đơn điện tử được xử lý.
Tại hội nghị, lãnh đạo 11 bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã báo cáo về việc triển khai chuyển đổi số, đồng thời đề xuất bổ sung chính sách để thực hiện trong thời gian tới...
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội đã đạt 17/25 dịch vụ công mức độ 3, 4 (đạt 68%), trong đó 11 dịch vụ công thiết yếu đã kết nối và chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm tham mưu ban hành hướng dẫn địa phương xây dựng, triển khai chương trình chuyển đổi số; rà soát, thống nhất hướng dẫn địa phương về chỉ tiêu thống kê kinh tế số...
Không hình thức, phô trương khi chuyển đổi số
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị nhận thức chưa toàn diện, còn hình thức trong chuyển đổi số. Do vậy cần cương quyết loại bỏ việc này.
Theo Thủ tướng, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn chậm, thiếu sự phối hợp; việc đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống, đến người dân, doanh nghiệp còn một khoảng trễ, thực thi ở cấp cơ sở thiếu quyết liệt. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (gần 54%) và hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp (khoảng 9,4%); chưa hình thành được hệ sinh thái công dân số dẫn đến người dân vẫn chưa được thụ hưởng nhiều tiện ích quan trọng như y tế, giáo dục, bảo hiểm, ngân hàng, giao thông...
Thủ tướng Chính phủ cho rằng để thực hiện được các mục tiêu đề ra, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm.
Các bộ, ngành, địa phương phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược; kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực chuyển đổi số; người dân, doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nhiều dịch vụ, tiện ích; coi triển khai hiệu quả chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý hành chính nhà nước. Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả; có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ phát triển chính phủ số mà còn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đi đôi với phân bổ nguồn lực, giám sát, kiểm tra, khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng truyền thông, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành và ban chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong quý II-2022 và thời gian tới.