Tạo động lực cơ giới hóa nông nghiệp
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:08, 27/04/2022
Những hiệu quả tích cực
Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã tập trung hỗ trợ, khuyến khích phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 5.676 máy làm đất, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 877 máy gặt đập liên hợp... Khâu làm đất đã được cơ giới hóa với 100% diện tích đất nông nghiệp và diện tích lúa được thu hoạch bằng máy đã lên tới 90%...
Tại huyện Quốc Oai, Trạm Khuyến nông huyện đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy cơ giới hóa khâu gieo trồng thông qua việc thực nghiệm cấy lúa bằng mạ khay và đã nhân rộng tới 14 xã, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn. Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Việt Yên (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) Đỗ Hữu Dự cho biết, tỷ lệ hộ nông dân tham gia mô hình mạ khay, cấy máy ở địa phương đã tăng từ 10% lên 80% và việc áp dụng cơ giới hóa trong gieo cấy đã mang lại hiệu quả tích cực.
Thời điểm hiện tại, hơn 1.000ha lúa của huyện Phú Xuyên đã sử dụng phương thức mạ khay, cấy máy. Nhiều địa phương có tới hơn 90% diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, lúa vẫn là loại cây trồng có diện tích sản xuất lớn, chiếm tới 80% diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện. Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ không chỉ góp phần quan trọng giải “bài toán” về lao động, khi lực lượng lao động trẻ trong nông nghiệp ngày một giảm, mà còn tạo động lực để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
Nhận diện thách thức, tạo động lực mới
Lợi ích đã rõ nhưng thực tế cho thấy, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn, thách thức vẫn đang ở phía trước.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Phú Triều (xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên) Nguyễn Khắc Đức, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ. Ví dụ, trong lĩnh vực trồng trọt, lúa là cây chủ lực nhưng mới tập trung cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh; việc trang bị các thiết bị cơ khí động lực còn hạn chế và mới thích hợp ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình.
Về vấn đề này, ông Sài Văn Triệu một hộ trồng chuối ở xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh cho biết: Việc áp dụng cơ giới hóa mới dừng lại ở khâu làm đất, còn khâu thu hoạch như sử dụng ròng rọc để vận chuyển chuối thì rất ít nhà vườn có thể làm được. Nếu áp dụng đồng bộ từ khâu sản xuất, thu hoạch đến sơ chế, đóng gói thì chất lượng, giá trị sản phẩm sẽ tăng lên ít nhất 10-15%...
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban, hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng như giao thông nội đồng, hệ thống tiêu, thoát nước... cũng như mức độ tập trung ruộng đất còn nhiều hạn chế nên chưa thể đưa máy móc lớn, hiện đại vào đồng ruộng. Do đó, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội và huyện Thạch Thất cần thúc đẩy đầu tư cho hạ tầng sản xuất của các vùng chuyên canh, qua đó tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ...
Cũng về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương cho rằng: Thành phố chưa có nhiều cơ sở dịch vụ về máy cơ giới chuyên ngành; kỹ thuật vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp hiện đại còn nhiều hạn chế… Trong khi đó, công tác đào tạo nghề vận hành các loại máy cơ khí nông nghiệp chưa được chú trọng. Do vậy, thời gian tới, để đẩy mạnh hỗ trợ phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, một trong những giải pháp được đề ra là hình thành khoảng 36 tổ (nhóm) dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn...
Thông tin thêm về việc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội sẽ tạo nguồn kinh phí gần 1.800 tỷ đồng cho mục tiêu đến năm 2025 những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung của thành phố cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đối với các cây chủ lực sẽ đạt 15-98%; các ngành hàng nông sản được cơ giới hóa đồng bộ gắn với các vùng nguyên liệu tập trung, cụ thể: Khâu làm đất là 98%, gieo cấy 15%, chăm sóc 60%, thu hoạch (lúa) 95%...
Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua các loại máy, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ được xem xét hỗ trợ 100% phí quản lý (vay vốn của Quỹ Khuyến nông thành phố), 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh thành phố Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn với thời hạn vay tối đa là 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 100% giá trị sản phẩm...
Với việc định rõ các mục tiêu, chủ động triển khai các giải pháp, trong đó có việc tạo nguồn lực thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân mua sắm trang thiết bị chuyên ngành…, chắc chắn, tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp của Hà Nội sẽ có những chuyển biến tích cực.