Chạm vào lịch sử bằng cảm xúc chân thật nhất
Giải trí - Ngày đăng : 08:00, 28/04/2022
Chỉ còn là “một thời vang bóng”
Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, dòng phim lịch sử nói chung, đặc biệt là phim đề tài chiến tranh cách mạng chiếm một vị trí rất quan trọng. Bộ phim “Chung một dòng sông” (1959) với câu chuyện tình của đôi trai gái sống ở hai bên bờ sông Bến Hải bị chia cách bởi hoàn cảnh chiến tranh của hai đạo diễn Hồng Nghi, Hiếu Dân được xem là bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Và từ đó, những giải thưởng quan trọng nhất mà điện ảnh Việt có được trong nhiều thập niên hầu hết đều thuộc về những bộ phim dựa trên đề tài chiến tranh cách mạng. Những bộ phim như “Nổi gió”, “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội"... đều gặt hái được thành công ở trong và ngoài nước, là niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975 và những năm cuối thế kỷ XX, dòng phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng vẫn giữ được vị thế, nhiều tác phẩm tạo được dấu ấn sâu đậm như “Sao tháng Tám” (1976), “Cánh đồng hoang” (1979), "Bao giờ cho đến tháng Mười" (1984), “Biệt động Sài Gòn” (1986)...
Tuy nhiên, trong khoảng 20 năm qua, đa số phim truyện điện ảnh khai thác đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng chưa gây được hiệu ứng tốt với khán giả. Lác đác có một số phim để lại dấu ấn như “Áo lụa Hà Đông" (đạo diễn Lưu Huỳnh, 2006), “Đừng đốt” (đạo diễn Đặng Nhật Minh, 2009), “Mười ba bến nước” (đạo diễn Đặng Thái Huyền, 2009), “Mùi cỏ cháy” (đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, 2012), “Những người viết huyền thoại” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, 2013)... Trong khi đó, nhiều bộ phim được đầu tư tới hàng triệu USD lại phải “xếp kho” chỉ sau vài buổi công chiếu vì không có khán giả. Và, đáng buồn hơn khi trong những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng điện ảnh cao trên thế giới, mỗi năm có khoảng 40 phim điện ảnh được sản xuất nhưng chỉ có 1 - 2 phim về đề tài lịch sử, cách mạng được làm từ nguồn vốn ngân sách. Chẳng hạn, năm 2019 có phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, năm 2021 có “Khúc mưa” - phim về đề tài hậu chiến của đạo diễn Nguyễn Tuấn Dũng, và mới đây nhất, năm 2022 có phim “Bình minh đỏ” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân...
Đừng quên “giấy thông hành đặc biệt”
Theo thông tin từ Cục Điện ảnh, số lượng phim Việt Nam chiếm 20,5% tổng số phim được phát hành tại rạp năm 2020, thu về hơn 40% tổng doanh thu phim chiếu rạp (năm 2021, do dịch Covid-19 nên hệ thống rạp phải đóng cửa trong một khoảng thời gian dài). Doanh thu phòng vé tăng nhanh trong những năm gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng điện ảnh cao. Công nghiệp điện ảnh đang có sức hút mạnh mẽ, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội đầu tư làm phim. Phim nối phim liên tiếp xô đổ các kỷ lục về doanh thu, khiến nhiều người tin rằng các nhà làm phim Việt đã tìm được con đường để chinh phục khán giả.
Nhiều bộ phim thậm chí còn vươn ra thị trường quốc tế. Bí quyết để tạo chỗ đứng trên thế giới, theo nhiều nhà làm phim chia sẻ, là phim phải mang dấu ấn Việt Nam. Trong một thế giới điện ảnh phát triển thì bản sắc chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt. Ở góc độ này, nhà phê bình điện ảnh Mai Anh Tuấn rất có lý khi cho rằng: “Đề tài chiến tranh cách mạng là một đề tài đặc biệt, một giấy phép thông hành đưa điện ảnh Việt Nam đến với thế giới”. Lịch sử Việt Nam, đặc biệt là hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống thực dân và đế quốc của dân tộc đã được biết đến trên toàn thế giới. Đây là đề tài quá lớn để điện ảnh Việt tiếp tục khai thác. Và quả thật, thời kỳ trước chúng ta đã có những bộ phim đạt đến chiều kích kinh điển, được thế giới biết đến và trao cho những giải thưởng danh giá.
Vậy tại sao mảng đề tài này lại đang bị các nhà làm phim thờ ơ? Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã từng cảm thán: “Có lẽ không dân tộc nào, đất nước nào trên thế giới lại chịu số phận khốc liệt, dai dẳng như thế. Nhưng cho đến hôm nay, chúng ta vẫn là một nước độc lập với bản sắc văn hóa, trong đó bao gồm cả tiếng nói và phong tục tập quán không thể trộn lẫn. Đáng tiếc là niềm tự hào dân tộc cũng như lòng tri ân với các tiền nhân đã bỏ mình vì nước..., vì nhiều lý do khác nhau đã mai một phần nào ở thế hệ điện ảnh Việt đương đại”. Nguyên nhân về hiện tượng này đã được giới chuyên môn "mổ xẻ" từ nhiều năm nay. Trong đó, lý do chủ yếu được cho là Nhà nước không còn rót kinh phí để làm phim, dẫn đến đề tài này vắng bóng hẳn trong đời sống điện ảnh mấy năm trở lại đây. Bên cạnh đó là việc thiếu kinh phí, thiếu công nghệ làm phim đủ sức tái hiện bối cảnh chiến tranh hoành tráng, tâm lý lo ngại đề tài này không còn hấp dẫn... Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, việc các nhà làm phim tư nhân ngày càng bạo chi cho sản xuất phim, kể cả những thể loại phim được coi là khó với điện ảnh Việt xưa nay như dòng phim hành động, phim kỳ ảo..., cho thấy rào cản chính là họ chưa tìm ra được hướng tiếp cận mới, hấp dẫn với mảng đề tài quen thuộc này.
Khai mở bằng lối đi riêng
Nhắc tới dòng phim chiến tranh cách mạng, người ta sẽ nghĩ ngay tới những trận đánh ác liệt, những đại cảnh hoàng tráng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà làm phim có ý định tái hiện điều này trên màn ảnh rộng đều gặp thất bại bởi chưa đủ cả tầm và lực. Chính vì vậy, trong rất nhiều cuộc thảo luận “tìm đường” cho đề tài này, các nhà làm phim đều thống nhất quan điểm về việc nên khai thác đề tài chiến tranh cách mạng theo cách riêng, phù hợp với điều kiện của điện ảnh Việt hiện nay, đó là đi sâu khai thác những câu chuyện, vấn đề của cá nhân để từ đó thấy được bức tranh chung.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh, người có 3 bộ phim được đánh giá rất thành công ở mảng đề tài này - “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Đừng đốt” - chia sẻ: “Khi làm phim về đề tài này, tôi luôn quan tâm nói tới số phận con người trong chiến tranh chứ không miêu tả chiến tranh, vì nếu miêu tả chiến tranh thì chúng ta thua phim Mỹ. Nên mình phải làm về khía cạnh khác. Chính cái đó lại là cái thuyết phục, chinh phục đối phương”.
Là đạo diễn trẻ với một số bộ phim về đề tài hậu chiến đã được khẳng định như “Mười ba bến nước”, “Người trở về”, đạo diễn Đặng Thái Huyền cũng cho rằng: “Khi làm phim chiến tranh, người ta nghĩ phải dàn dựng những trận đánh lớn, ác liệt, nhưng tôi nghĩ mỗi người có một cách làm khác nhau. Tôi là phụ nữ, tôi nghĩ nỗi đau của chiến tranh không nằm ở bom đạn mà nằm ở số phận của mỗi con người khi chiến tranh đi qua”.
Rất nhiều bộ phim chiến tranh nổi tiếng trên thế giới cũng không đi vào tái hiện những trận đánh lớn, mà khai thác thành công chủ nghĩa anh hùng cá nhân để mỗi người xem chạm được vào lịch sử bằng cảm xúc chân thật nhất. Nói như nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Hãy đi đến tận cùng của cái ta, ta sẽ gặp được nhân loại”. Và, đó có thể là lối đi để các nhà làm phim hôm nay tiếp tục khai thác mảng đề tài đặc biệt giá trị này, đem đến giá trị lớn hơn cho công chúng, đặc biệt là giáo dục tình yêu lịch sử, niềm tự hào dân tộc cũng như ghi nhớ công ơn của những người đã hy sinh vì độc lập, tự do cho lớp trẻ hôm nay.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã:
“Cho đến bây giờ, tôi không nhìn thấy giá trị anh hùng cá nhân trong các tác phẩm của chúng ta. Khi nhân vật không được khai thác đến cùng để thành một biểu tượng anh hùng thì bộ phim luôn mang tính chất mô hình hóa, và điều đó sẽ khiến chúng ta luôn có câu hỏi tại sao phim bây giờ không hay như ngày xưa. Nghệ thuật phải nói đến con người, nói đến cá nhân thì mới đủ sức thuyết phục đối với người xem”.