Hộ nghèo được ưu tiên mua nhà ở xã hội

Đời sống - Ngày đăng : 11:57, 28/04/2022

(HNMO) - Ngày 28-4, tại Hội trường Công ty TNHH Tư vấn y, dược quốc tế (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh), Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Đống Đa tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Giải đáp chế độ, chính sách và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”.

Quang cảnh cuộc giao lưu trực tuyến.

Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động có bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội); luật sư Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN; ông Nguyễn Kiến Dụ - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mê Linh.

Trong chương trình, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp các chính sách hỗ trợ cho người lao động là vấn đề đang được người lao động đặc biệt quan tâm.

Bà Dương Thị Minh Châu cho biết, nhiều người nhầm lẫn rằng khi mắc Covid-19 được hưởng chế độ đặc biệt nhưng thực tế khi người bệnh mắc Covid-19 sẽ được hưởng chế độ đau ốm như bình thường. Để hưởng chế độ ốm đau sau khi điều trị khỏi Covid-19, người lao động cần nộp lại cho đơn vị sử dụng lao động bản sao giấy ra viện (đối với trường hợp điều trị nội trú); giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị (đối với trường hợp điều trị ngoại trú). Về thời gian, người lao động sẽ được nghỉ 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15-30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. Ngoài ra, trong quá trình khám bệnh, nếu người bệnh phát hiện ra bệnh thì sẽ được hưởng chế độ của bảo hiểm xã hội.

Liên quan đến câu hỏi của người lao động có nên khám hậu Covid-19 không, ông Nguyễn Kiến Dụ - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mê Linh nhấn mạnh, khái niệm hậu Covid-19 đang bị lạm dụng rất nhiều, đặc biệt là trên mạng xã hội nên các bệnh viện tư nhân khuyến khích nhiều.

Ông Nguyễn Kiến Dụ cho biết: “Với kinh nghiệm chuyên môn và làm công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, chúng tôi không quan tâm nhiều đến khái niệm hậu Covid-19 bởi vì ảnh hưởng đến sức khỏe không phải vấn đề quá lớn trong cộng đồng khi xét về tỷ lệ người bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng".

Người nên đi khám là khi cảm thấy bất thường về sức khỏe, cảm thấy vượt ngưỡng chịu đựng. Trong các trường hợp đó, bác sĩ sẽ thăm khám và xem xét nên khám những gì, chuyên khoa nào. Khám Covid-19 hay khám bất cứ bệnh gì đều có nguyên lý và quy trình khám bệnh riêng, nhiệm vụ của bác sĩ là tìm ra bất thường để giải quyết.

"Do vậy, tôi một lần nữa nhấn mạnh với các bạn đó là không cần quá quan tâm đến hậu Covid-19, khi sức khỏe bất thường, vượt quá giới hạn cần đi tư vấn bác sĩ thì nên đi khám”, ông Nguyễn Kiến Dụ khẳng định.

Về điều kiện để được mua nhà ở xã hội, luật sư Phạm Thanh Phương thông tin, theo quy định có 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Trong đó ưu tiên những đối tượng sau: Người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.

Để được hỗ trợ mua nhà ở xã hội thì người lao động phải đáp ứng những điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập, bao gồm: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội.

Người lao động phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó. Đối với cán bộ, công chức thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Bách Sen