Khuyến cáo biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy mùa nắng nóng

Đời sống - Ngày đăng : 20:54, 28/04/2022

(HNMO) - Ngày 28-4, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, trong quý I-2022, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 131 vụ cháy, trong đó có 2 vụ cháy lớn, 3 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 47 vụ cháy trung bình, 76 vụ cháy nhỏ, 3 vụ cháy rừng.

Hiện trường một vụ cháy.

Những ngày gần đây, ở thời điểm đầu mùa nắng nóng, liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà dân gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Điển hình vào rạng sáng 21-4, xảy ra cháy tại nhà số 116 B9 Kim Liên, ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, quận Đống Đa. Vụ cháy xảy ra trong đêm, nhà cơi nới dạng ống, nhỏ và bí, làm nhiệt tăng cao và khói bốc nhanh, hậu quả làm 5 người thiệt mạng.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, các hộ gia đình thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do thiết bị hư hỏng; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: Cầu chì, công tắc, cầu dao, aptomat, rơle tự đóng ngắt điện chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn (dùng aptomat bảo vệ có thông số phù hợp riêng cho từng phòng, từng thiết bị có công suất lớn như bình nóng lạnh, điều hòa).

Không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Phân bổ các thiết bị tiêu thụ điện trên đường dây dẫn điện để đảm bảo công suất truyền tải của dây dẫn, tránh hiện tượng quá tải gây cháy. Khi lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn, phải lựa chọn dây dẫn cho phù hợp. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm.

Không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện, tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, bếp từ, phải có người trông coi. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở.

Ô tô, xe máy và các phương tiện, dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.

Các gia đình bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt ban thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn, tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas. Nếu đun nấu bằng bếp dầu phải đủ bấc và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ.

Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn để thoát nạn an toàn khi có cháy.

Đối với cơ quan, doanh nghiệp, cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt. Sắp xếp vật tư, hàng hóa gọn gàng, đảm bảo khoảng cách an toàn và ngăn cháy theo quy định. Xây dựng và thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.

Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã/phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Chu Dũng