Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tổng kết 10 năm thực hiện ''Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới'' toàn diện, hiệu quả
Chính trị - Ngày đăng : 18:32, 28/04/2022
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tham dự hội nghị còn có các Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; cùng các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương thông tin về tình hình thế giới, khu vực có liên quan, tác động đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch của cấp ủy, tổ chức Đảng gắn với tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.
Để thực hiện tốt công tác tổng kết Nghị quyết quan trọng này, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đề nghị cấp ủy, tổ chức Đảng xây dựng kế hoạch tổ chức tổng kết nghị quyết ở cấp mình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức tổng kết ở các cấp bảo đảm toàn diện, nghiêm túc, thực chất, thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng, sát với chức năng, nhiệm vụ. Đi liền với đó là bảo đảm đúng thời gian, tiến độ quy định, tránh hình thức, chiếu lệ. Quá trình tổng kết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI được ban hành trên cơ sở thành tựu, kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn qua gần 30 năm đổi mới đất nước, nhất là đã kế thừa kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nghị quyết có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện đường lối, tư duy mới, bước đột phá về sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực, hội nhập quốc tế. Qua đó, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân và lực lượng vũ trang thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Chủ tịch nước đánh giá, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI và đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật là: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phân tích tình hình thế giới và khu vực trong những năm tới với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Chủ tịch nước nhìn nhận, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, các thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu cũng sẽ diễn biến phức tạp.
Đối với đất nước ta sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế ngày càng nâng cao; hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn. Tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp, sâu sắc đến quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng chăm lo, củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước đề nghị, việc tổng kết cần bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI gắn với thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Trung ương liên quan lĩnh vực này ban hành thời gian gần đây. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ những chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ Tổ quốc mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Việc tổ chức tổng kết phải đánh giá toàn diện tình hình, cả về mục tiêu và sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp, và kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI trong 10 năm (từ năm 2013 đến 2023), chỉ ra được những ưu điểm, kết quả nổi bật, những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết; rút ra những bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện. Đồng thời, trên cơ sở kết quả tổng kết và phân tích bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và tình hình đất nước, đề xuất phương hướng, mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp trong những năm tiếp theo.
Ngoài hướng dẫn tổng kết của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết, tập trung đánh giá những việc đã triển khai lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết từ Trung ương đến các địa phương, các cấp, các ngành; những chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm, hành động về bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng vũ trang trong tình hình mới. Cùng với đó là việc thể chế hóa nghị quyết thành luật pháp, cơ chế, chính sách, các chương trình, kế hoạch công tác ở các cấp, các ngành, các địa phương; công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết tình hình thực hiện.