Lễ kỷ niệm 290 năm Long Hồ dinh, 190 năm thành lập, 30 năm tái lập tỉnh Vĩnh Long

Chính trị - Ngày đăng : 22:42, 28/04/2022

Tối 28-4, tại Quảng trường thành phố Vĩnh Long, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 290 năm thành lập Long Hồ dinh (1732-2022), 190 năm thành lập tỉnh Vĩnh Long (1832-2022), 30 năm tái lập tỉnh Vĩnh Long (1992-2022), 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng.

Cùng tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động; các vị chức sắc tôn giáo; cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh…

Đọc diễn văn kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm đã ôn lại những dấu mốc nổi bật trong chặng đường 290 năm kể từ năm 1732 thành lập Long Hồ dinh đến tỉnh Vĩnh Long hiện nay.

Tại buổi lễ, trong không khí trang trọng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Vĩnh Long - vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Lễ kỷ niệm của tỉnh càng thêm ý nghĩa vì diễn ra đúng dịp kỷ niệm 47 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, 136 năm Ngày Quốc tế lao động (1-5) và 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5).

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, gần 300 năm qua, trải qua bao nhiêu thăng trầm, mảnh đất nơi đây đã trở thành vùng đất rất trù phú và đẹp đẽ, thành trung tâm thương mại lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với một nền văn hóa phong phú, nhân văn, giàu giá trị, đậm bản sắc của nền văn minh sông nước miệt vườn: Yêu nước và thương nòi, đoàn kết và thủy chung, phóng khoáng và bản lĩnh, tài năng và chân thành, dũng cảm và nhân hậu… vừa rất Nam Bộ, vừa đậm tình đất, tình người Vĩnh Long ngày nay.

Long Hồ dinh xưa, tỉnh Vĩnh Long ngày nay cũng là địa phương giàu truyền thống lịch sử cách mạng. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước cũng như trong chặng đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, tỉnh Vĩnh Long đã sát cánh cùng cả nước, góp phần to lớn vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Những trận đánh tiêu diệt quân xâm lược Xiêm La trên sông Rạch Gầm - Xoài Mút, những chiến công oanh liệt của tỉnh Vĩnh Long trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968… đã đi vào lịch sử, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Mảnh đất học Vĩnh Long cũng là nơi sinh thành, dưỡng dục nhiều nhà lãnh đạo tài ba, xuất sắc cho đất nước như: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Phan Văn Đáng, Giáo sư Viện sĩ - Thiếu tướng - Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa…

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sau 30 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh thuần nông, với điểm xuất phát thấp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, chủ động đổi mới, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, đạt được những kết quả toàn diện, vươn lên đạt tỉnh trung bình khá vào năm 2015, đạt tỉnh khá vào năm 2020.

So với năm 1992, quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng gấp 38,5 lần; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tốc độ tăng tưởng kinh tế luôn duy trì mức phát triển khá, trung bình gần 7%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 37 lần. Môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn được duy trì trong nhóm tốt của cả nước.

Đến năm 2021, đã có 61/87 xã và 1/8 đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Văn hóa - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; thực hiện các chính sách an sinh xã hội đi vào chiều sâu; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, chỉ còn 2,01%; bộ mặt đô thị và nông thôn nhiều đổi thay, tươi đẹp và văn minh, tạo nên sức sống mới, khí thế mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và kiện toàn, hiệu quả hoạt động được nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Với những đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Vĩnh Long đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, hai lần được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn mà tỉnh Vĩnh Long đã đạt được trong những năm qua - đây là nền tảng quan trọng để tỉnh có thể phấn đấu trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững vào năm 2025.

“Trong thời khắc đáng tự hào này, chúng ta càng ghi nhớ, trân trọng, biết ơn sự cống hiến, đóng góp, hy sinh xương máu của các thế hệ tiền nhân, những người con ưu tú của tỉnh nhà đã góp phần để Vĩnh Long có được diện mạo và vị thế như ngày hôm nay”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội đồng thời nêu rõ, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết, đặc biệt là tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua. Với lợi thế nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và ở trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đất đai màu mỡ và đang có những bước chuyển mình ấn tượng trong thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ hơn, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Để làm được điều đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, tỉnh tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân; lấy đoàn kết trong Đảng bộ làm trung tâm, đoàn kết toàn dân làm động lực, lấy mục tiêu chung là phát triển làm điểm tương đồng để đưa phong trào chung của tỉnh đi lên. Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để tỉnh có thể phát triển nhanh và bền vững.

Cùng với đó, Vĩnh Long tiếp tục thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; quán triệt nghiêm túc, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm; gắn chặt với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt, cần khẩn trương cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chú trọng gắn kết việc hình thành và phát triển hành lang kinh tế đô thị, công nghiệp Cần Thơ - Vĩnh Long - Long An - thành phố Hồ Chí Minh.

Tỉnh cần tiếp tục thực hiện giải pháp thích ứng linh hoạt, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; phát huy tối đa lợi thế là tỉnh nằm ở trung tâm châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu; điều kiện khí hậu tốt, hạ tầng giao thông thuận lợi.

Vĩnh Long khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất công nghiệp, chú trọng phát triển những ngành công nghiệp có lợi thế, hiệu quả cao, bảo vệ môi trường, gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại...

Tỉnh đa dạng hóa và huy động tốt hơn các nguồn lực, nhất là nội lực, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và liên kết vùng, tiểu vùng, thu hút đầu tư để xây dựng đồng bộ, hợp lý, hiệu quả kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; quyết liệt nâng cao hiệu quả đầu tư công, rà soát, cơ cấu lại, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, tránh dàn trải, manh mún, gây kéo dài, chậm tiến độ, dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, lâu dài.

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh phải chú trọng lĩnh vực văn hóa, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, bởi vì “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn” - như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021.

Tỉnh cần chăm lo bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; coi trọng phát triển giáo dục - đào tạo, nhất là chăm lo cho con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tỉnh kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, nhất là Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt… để nơi đây vừa là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, vừa là trung tâm văn hóa, lịch sử cách mạng hàng đầu của tỉnh và khu vực; điểm đến quan trọng trong hành trình tham quan, nghiên cứu của đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cùng với đó, tỉnh tăng cường bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân, biết lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xây dựng xác đáng của nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường năng lực và phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu.

Vĩnh Long xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, đam mê, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết hiệu quả những bức xúc của người dân từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.

Cùng với tập trung phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, vấn đề then chốt, trọng yếu mà Đảng bộ tỉnh nhà cần đặc biệt quan tâm, đó là tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Kết luận về đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, để Đảng ta thực sự và luôn luôn “là đạo đức, là văn minh”, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng, yêu mến; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong không khí tự hào và xúc động, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Lễ kỷ niệm hôm nay là dịp để chúng ta tìm về cội nguồn, tiếp tục khẳng định và phát huy truyền thống cùng những thành quả dựng nước, giữ nước của đất và người Vĩnh Long trong suốt 290 năm qua. Tôi tin tưởng vững chắc rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Long sẽ ra sức đoàn kết, năng động, đổi mới, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiếp tục có những bước phát triển đột phá để sớm trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có vị thế xứng đáng trong khu vực vào năm 2025; xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với tên gọi Vĩnh Long hàm chứa ý nghĩa và kỳ vọng là mãi mãi giàu mạnh, thịnh vượng và phát triển”.

* Trước đó, chiều cùng ngày, tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (xã Long Phước, huyện Long Hồ) và khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã thành kính dâng hoa, dâng hương, dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt - hai người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội đã tới thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Liên, sinh năm 1939 (phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long).

Theo TTXVN