Số ca chuyển nặng do nhiễm bệnh sốt xuất huyết đang tăng ở các địa phương phía Nam
Sức khỏe - Ngày đăng : 19:56, 29/04/2022
Số ca nặng tăng nhanh
Số liệu thống kê của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến tuần 16 của năm 2022, số ca sốt xuất huyết Dengue (sốt xuất huyết) giảm 23% số ca mắc/100.000 dân so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Một số tỉnh, thành phố nằm trong danh sách tăng nhanh tỷ lệ sốt xuất huyết nặng gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang.
Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tính đến giữa tháng 4, thành phố ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Đây là số liệu báo động vì so sánh với năm 2019 (năm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc) thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021 và đã có 2 ca tử vong.
PGS.TS, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết thể nặng nhất, đe dọa tính mạng, do bệnh gây sốc và suy đa cơ quan. Việc hồi sức ở những trẻ này rất phức tạp, tỷ lệ tử vong cao và có thể để lại di chứng cho trẻ sau này nếu vượt qua được. Phụ huynh cần theo dõi sát và sớm đưa con em đến viện.
Từ thực tế điều trị trẻ sốt xuất huyết thời gian qua, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Châu Việt, Bệnh viện Nhi đồng 2, chia sẻ: “Bên cạnh 90% ca sốt xuất huyết thường đơn giản, khoảng một tuần là khỏi thì 10% còn lại là các ca chuyển nặng. Chủ yếu là nhóm trẻ thừa cân béo phì hay mắc các bệnh nền như tim mạch, não, phổi, thận, thậm chí là trường hợp hậu Covid-19”.
PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh nhận định, đã vào mùa bệnh sốt xuất huyết, một loại bệnh đặc hữu, gia tăng tại các tỉnh, thành phía Nam. Dự báo năm 2022, bệnh sốt xuất huyết sẽ rất phức tạp. Ngành Y tế cần hành động ngay với mục tiêu hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong cũng như không để xảy ra những ổ dịch lớn.
Triển khai nhiều biện pháp
Ngày 29-4, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã phân công Bệnh viện Nhi Đồng 1 tổ chức lớp tập huấn về “Chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em” cho tất cả bác sĩ đang phụ trách công tác điều trị bệnh cho trẻ em ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam (kể cả cơ sở y tế ngoài công lập). Có 100 bác sĩ dự trực tiếp và 233 bác sĩ dự trực tuyến từ 215 điểm cầu tham gia lớp tập huấn.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, lớp tập huấn nhằm giúp nâng cao năng lực của bác sĩ tuyến quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh về chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em.
Bác sĩ Nguyễn Đình Quy, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (thành phố Hồ Chí Minh) khuyến cáo, các bậc phụ huynh thấy trẻ sốt từ 3 ngày trở lên, ho nhiều, nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để làm xét nghiệm máu, nhằm phát hiện sớm bệnh để được điều trị kịp thời.
“Đối với các trường hợp chưa có chỉ định nhập viện, trẻ sẽ được theo dõi và chăm sóc tại nhà. Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thực phẩm dễ tiêu và dùng các loại thuốc nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng”, bác sĩ Quy lưu ý.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn sạch nơi mình làm việc, sinh sống. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần… không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng…
Trên phạm vi toàn thành phố, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai tập huấn nhắc lại cho các cơ sở y tế công, tư trên địa bàn. Tất cả nhân viên y tế cần được cảnh báo để nhận diện sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh bỏ sót gây chậm trễ trong việc điều trị.
Sở Y tế cũng tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo hoạt động phối hợp từ các sở, ngành đến UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để cả hệ thống chính trị cùng tham gia ứng phó với diễn biến của sốt xuất huyết. Tăng cường truyền thông đến tận nhà người dân và có biện pháp xử phạt cá nhân, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền từ người sang người thông qua muỗi đốt, không lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Muỗi truyền bệnh có tên khoa học là Aedes Agyptie (dân gian hay gọi là muỗi vằn). Dấu hiệu người mắc sốt xuất huyết nặng là chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ra máu kinh bất thường, nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen. Mệt mỏi, tay chân lạnh, khó thở…