Phát triển bền vững với kinh tế xanh

Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 29/04/2022

(HNM) - Hòa nhập với xu thế phát triển chung, nhiều địa phương, doanh nghiệp phía Nam đã và đang phát triển nền kinh tế xanh. Theo đó, kinh tế xanh được hiểu là sự tăng trưởng thu nhập, việc làm đi cùng với giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và ngăn chặn sự suy giảm của đa dạng sinh học, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được định hướng thành khu công nghiệp xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Giải pháp hiệu quả từ các địa phương

Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh phát triển công nghiệp nặng như luyện thép, sản xuất xi măng, đạm... và dịch vụ dầu khí lớn trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, mỗi ngày, có khoảng 204 tấn chất thải nguy hại từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ dầu khí, vận tải biển… Cùng với đó là hơn 100.000 tấn bụi lò thép từ 6 nhà máy luyện phôi thép phát thải mỗi năm, gây ô nhiễm môi trường…

Trước thực trạng này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Sơn Hải thông tin, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp theo chiến lược tăng trưởng xanh như tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp và người dân nhận thức đúng về giảm phát thải chất nguy hại; xử phạt nghiêm vi phạm... “Toàn tỉnh hiện có 7 dự án xử lý chất thải nguy hại với tổng công suất 256 tấn/ngày. Ngoài ra là Nhà máy Xử lý bụi lò thép Zinc Oxide (Khu công nghiệp Phú Mỹ 3) có công suất thiết kế xử lý 100.000 tấn bụi lò thép/năm; tái chế bụi lò thép để sản xuất oxit kẽm, cung ứng cho ngành sản xuất lốp xe và gốm sứ”, ông Đặng Sơn Hải nói.

Còn tỉnh Đồng Tháp xác định, nông nghiệp, nông thôn cần phát triển bền vững theo hướng thuận thiên, giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Vì vậy, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình sản xuất được người dân và doanh nghiệp ủng hộ, như mô hình “lúa - tôm”, “lúa - cá”, “lúa - cá - vịt’, “lúa - sen”, nhằm khôi phục hệ sinh thái trên hệ thống sông Tiền gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trồng cây gây rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa thông tin: “Đồng Tháp đã và đang đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế, hệ thống canh tác nông nghiệp bền vững theo hướng thuận thiên, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái bền vững, đem lại giá trị kinh tế - xã hội và môi trường cao hơn”.

Sớm có chính sách chi tiết để tăng trưởng xanh mạnh mẽ hơn

Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ) cũng là một trong những đơn vị điển hình về phát triển nông nghiệp xanh. Hiện có 140 hộ xã viên của hợp tác xã đang trồng 300ha lúa an toàn, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa theo tiêu chuẩn cao. Nhờ đó, lúa gạo của đơn vị đang được bán cao hơn giá thị trường vì có chất lượng tốt; lợi nhuận tăng 15-30% so với trước khi áp dụng mô hình nông nghiệp xanh.

Còn tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn (thành phố Hồ Chí Minh), để xuất hàng dệt may sang Mỹ, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ mới. Qua đó, các sản phẩm nhựa đều phải đạt tiêu chuẩn an toàn, thân thiện môi trường theo đúng yêu cầu của bên nhập hàng. Tổng Giám đốc công ty Trần Việt Anh cho biết: “Đơn cử, chúng tôi sử dụng túi đựng sản phẩm bằng loại túi Tamiko. Đây là loại bao bì thực phẩm tự hủy sinh học với thành phần chính là tinh bột hữu cơ, thân thiện với môi trường”.

Tuy vậy, hiện nay, để có thể phát triển kinh tế xanh, doanh nghiệp, địa phương cần nguồn vốn lớn cho đầu tư mua sắm thiết bị; chuyển đổi quy trình sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực. Điển hình, để đạt các tiêu chuẩn sản xuất xanh và phát triển bền vững, Công ty TNHH Hayat Kimya Việt Nam (tỉnh Bình Phước) đã đầu tư 250 triệu USD để xây dựng nhà máy hiện đại, tiết kiệm nước, tiết kiệm nguyên vật liệu với mức phát thải bằng không. Nhà máy có hệ thống năng lượng mặt trời công suất lớn 5,3MWp để tận dụng tối đa khả năng vận hành của dây chuyền sản xuất và tiết kiệm điện. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn vốn để đầu tư cơ bản như vậy.

“Doanh nghiệp Việt Nam cần định hướng xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh dài hạn, thay vì 4-5 năm phải tăng lên 10, thậm chí 15-20 năm để tăng tính khả thi và tạo hấp dẫn với các tổ chức tín dụng. Lãi suất tín dụng xanh khó có thể thấp, nhưng nếu có phương án xanh tốt, doanh nghiệp thậm chí có thể nhận được nguồn tài trợ, mở ra khả năng tiếp cận vốn lớn và mở rộng thị trường cao hơn. Ngân hàng HSBC Việt Nam đã tài trợ hơn 1,2 tỷ USD cho các dự án xanh tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực”, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn khu vực phía Nam và Bất động sản (Ngân hàng HSBC Việt Nam) Lương Phương Mai khuyến nghị.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: “Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh sẽ góp phần cho doanh nghiệp, địa phương phát triển bền vững. Đây cũng là chiến lược định vị thương hiệu khi Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu. Chính phủ đã có định hướng khung cho chiến lược này và sẽ sớm có chính sách chi tiết để tạo dựng tăng trưởng xanh mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”.

Nhóm phóng viên