Ứng dụng hiệu quả công nghệ vào sản xuất

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:15, 29/04/2022

(HNM) - Với hơn 40 mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín, ứng dụng công nghệ cao, nông dân huyện Đông Anh đã và đang nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh diện tích đất canh tác ngày một thu hẹp, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt, những mô hình này phù hợp với mục tiêu phát triển đô thị sinh thái mà thành phố Hà Nội hướng tới.

Thu hoạch trứng gà tại trang trại chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng hữu cơ của gia đình ông Hoàng Mạnh Ngọc, xã Liên Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chất lượng cao theo hướng hữu cơ của gia đình hội viên nông dân Hoàng Mạnh Ngọc ở xã Liên Hà là một trong những mô hình chăn nuôi tiêu biểu của thành phố và huyện Đông Anh. Ông Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ, trang trại có quy mô sản xuất 1,2ha. Toàn bộ gà được nuôi theo hướng thương phẩm với các loại gà nổi tiếng: Gà Mía (Sơn Tây), gà Hồ (Bắc Ninh), gà Đông Tảo (Hưng Yên)... Đây là những giống gà chất lượng cao, được chăn nuôi theo phương thức bảo tồn gen và bán con giống. Trang trại còn đầu tư 60 máy ấp trứng, sản lượng 1,5 vạn con gà giống được xuất chuồng/ngày. Toàn bộ quy trình sản xuất của trang trại đều áp dụng công nghệ thông tin trong các khâu kiểm soát nhiệt độ, thức ăn, nước uống tại chuồng nuôi, nhiệt độ trạm ấp... qua phần mềm kết nối mạng internet trên điện thoại thông minh.

Không chỉ trong chăn nuôi, tại vùng trồng rau trọng điểm xã Vân Nội (huyện Đông Anh), nông dân cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất rau an toàn. Bà Trần Thị Tình, hội viên nông dân xã Vân Nội cho biết, hầu hết diện tích trồng rau an toàn tại xã đều được ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nhiều hộ chủ động sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ, sản phẩm được công nhận đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, hình thành chuỗi cung ứng khép kín. Nhiều diện tích trồng rau được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Hiện, nhiều doanh nghiệp đã liên kết, hỗ trợ nông dân trong quá trình trồng, tiêu thụ rau sạch, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập ổn định, bình quân 4-5 triệu đồng/tháng.

Có thể thấy, mặc dù chịu tác động khá lớn từ đô thị hóa song chính quyền và nông dân huyện Đông Anh đã chủ động xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp tiêu chí quận, bảo đảm gia tăng giá trị sản xuất. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho hay, thực hiện Đề án đầu tư xây dựng Đông Anh thành quận đến năm 2025, huyện xác định việc phát triển nông nghiệp phải theo hướng mới, an toàn và hiệu quả hơn, trong đó ứng dụng công nghệ cao là khâu đột phá. Mới đây, huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân, chủ các trang trại tiếp cận việc số hóa trong sản xuất, tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện nay, Hội Nông dân huyện Đông Anh cũng đang chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh Phạm Đức Trọng cho biết, thời gian tới, Hội Nông dân huyện định hướng cho nông dân trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ, an toàn, nông nghiệp công nghệ cao... Hội cũng phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác đào tạo để xây dựng lực lượng cán bộ trẻ có trình độ về khoa học, kỹ thuật và kỹ năng quản lý phù hợp yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cho hội viên nông dân. Cùng với những nội dung trên, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình liên kết, tạo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ một cách hiệu quả.

Đỗ Minh