Chủ động, quyết liệt thực thi
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:20, 30/04/2022
Thời gian qua, mặc dù công tác này luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao, liên tục; các cấp, ngành, địa phương, đơn vị của thành phố cũng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cụ thể để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai và giải ngân vốn đầu tư công, song kết quả vẫn chưa như mong đợi. Đáng chú ý, tính đến hết quý I-2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn thành phố mới chỉ đạt 8% kế hoạch năm. Điều đáng nói, có 3/30 địa phương trên địa bàn có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 1%...
Trước thực tế trên, UBND thành phố Hà Nội, các sở, ngành, địa phương đã nghiêm túc kiểm điểm, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Trong đó, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến một số dự án phải tạm dừng thi công do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hoặc thiếu lao động; năng lực của một số chủ đầu tư, đơn vị thi công còn hạn chế; những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng không được giải quyết triệt để, khiến một số dự án phải thi công “xôi đỗ” hoặc không thể khởi công. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương với chủ đầu tư, nhà thầu thi công chưa chặt chẽ; một số vướng mắc trong thủ tục đầu tư không được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện hồ sơ thanh, quyết toán công trình…
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của thành phố Hà Nội nhằm góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư phục vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Vì vậy, trước mắt, các sở, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 15-4-2022 của UBND thành phố Hà Nội về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…
Theo đó, để thực hiện mục tiêu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn, mỗi sở, ngành, địa phương cần xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp của đơn vị mình; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra… để kịp thời tháo gỡ vướng mắc; thực hiện nhanh các thủ tục thanh toán cho các dự án khi có khối lượng được nghiệm thu… Đối với dự án chậm tiến độ, không thể giải ngân theo cam kết cần xem xét, điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.
Liên quan đến những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi, bàn giao đất cho đơn vị thi công. Ngoài ra, với dự án còn vướng về hồ sơ, thủ tục đầu tư, các sở, ngành, địa phương cần quan tâm tháo gỡ. Các chủ đầu tư cần đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án khi đủ điều kiện, kịp thời làm thủ tục thanh quyết toán theo đúng quy định…
Hơn hết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu phải nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động, quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ. Có như vậy, Hà Nội mới đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra.