Khai mạc Năm Du lịch Sơn Tây - Xứ Đoài và khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây
Du lịch - Ngày đăng : 22:03, 30/04/2022
Đây là hoạt động kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), 136 năm Ngày Quốc tế lao động (1-5), 200 năm Thành cổ Sơn Tây; đồng thời hưởng ứng kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19.
Đến dự lễ khai mạc có Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải...
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 15-3-2022, du lịch Việt Nam chính thức mở cửa lại trong điều kiện bình thường mới. Theo quy hoạch chung phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây sẽ phát triển theo hướng trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội với chức năng đô thị văn hóa, lịch sử, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
Chương trình khai mạc Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài “Về Sơn Tây - về miền di sản” và khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là tiền đề bứt phá, khơi dậy tiềm lực to lớn cho sự phát triển của thị xã, nhất là phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, như: Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, đền Và, chùa Mía, Văn Miếu Sơn Tây..., cùng với phát huy tiềm năng khu du lịch hồ Đồng Mô với sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, hồ Xuân Khanh, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và hệ thống các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn.
Để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của thị xã, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị thị xã Sơn Tây cần nhất quán chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Sơn Tây - Xứ Đoài, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả, trong đó chú trọng du lịch cộng đồng gắn với Làng cổ Đường Lâm.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng lưu ý, thị xã cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thành phố triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung phương án để hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, nhất là việc duy trì hiệu quả không gian tuyến phố đi bộ Thành cổ; phát huy liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác công tư; tăng cường đầu tư phát triển và làm mới sản phẩm, điểm đến phù hợp với nhu cầu của khách du lịch; đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch để kích cầu và khôi phục thị trường du lịch…
Năm Du lịch Sơn Tây - Xứ Đoài, với chủ đề “Về Sơn Tây - về miền di sản” sẽ tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hóa kết hợp với các điểm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, vui chơi trên địa bàn và các vùng lân cận. Đặc biệt, hoạt động của tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ trở thành một trong bốn tuyến phố đi bộ của thành phố Hà Nội, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm của nhân dân địa phương và du khách vào mỗi dịp cuối tuần. Hoạt động của tuyến phố sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, tăng trưởng kinh tế - xã hội của thị xã.
Phạm vi hoạt động của tuyến phố đi bộ Sơn Tây gồm: Phố Phó Đức Chính - Phan Chu Trinh - Nguyễn Thái Học với điểm đầu là cổng cũ UBND thị xã và điểm cuối là ngã ba Quang Trung - Nguyễn Thái Học (cầu cửa Tiền), với tổng diện tích khoảng 34.550m2, hoạt động từ 19h thứ bảy đến 12h chủ nhật hằng tuần. Tuyến phố đi bộ này sẽ có nhiều hoạt động, như: Biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian; giao lưu văn hóa xứ Đoài; giới thiệu các mặt hàng lưu niệm, ẩm thực, sản phẩm OCOP đặc trưng của Sơn Tây - Xứ Đoài…