Liệt sĩ đã “trở về” với gia đình

Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 30/04/2022

(HNM) - Dịp 30-4-2020, Báo Hànộimới đăng hai bài viết về liệt sĩ Phạm Huy Lập, một người con miền Bắc vào Nam chiến đấu từ năm 1971 đến khi hy sinh năm 1974. Sau khi liệt sĩ Lập hy sinh, gia đình không có thông tin mộ chí. Thế nhưng, các bài báo viết về liệt sĩ Lập của Báo Hànộimới đã góp phần kết nối thông tin để cuối cùng, dịp 30-4-2022, những bạn đồng ngũ năm xưa đã đưa gia đình đến nơi liệt sĩ Lập đang yên nghỉ.

Gia đình tưởng nhớ liệt sĩ Phạm Huy Lập tại Nghĩa trang Liệt sĩ liên huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa (tỉnh Long An).

Một ngày tháng 5-2020, gần một tháng sau khi hai bài báo viết về liệt sĩ Phạm Huy Lập được Báo Hànộimới đăng tải, Văn phòng đại diện Báo Hànộimới tại thành phố Hồ Chí Minh nhận được cuộc điện thoại của bà Phạm Thị Thanh, chị gái liệt sĩ Lập. Giọng gấp gáp, vui mừng xen lẫn hồi hộp, bà Thanh nói: “Có người báo tìm được manh mối về đơn vị cũ của Lập, mong rằng có thể tìm được đồng đội xưa”.

Tất cả bắt đầu từ thông tin phiên hiệu đơn vị C5, D7, E367B (Đại đội 5, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 367B). Sau khi bài báo xuất bản, gia đình bà Thanh đã dẫn lại trên trang mạng xã hội của các thành viên trong gia đình. Ông Nguyễn Quang Quý - nguyên là đặc công Rừng Sác, đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh đọc được bài viết, đã chủ động liên hệ với ông Phạm Văn Dương, anh trai của liệt sĩ Lập, cung cấp 2 thông tin quan trọng: C5, D7, E367B là đơn vị đặc công miền, hoạt động tại các chiến trường Tây Ninh, Long An. Sau giải phóng, E367B sáp nhập với đơn vị đặc công khác, mang tên Trung đoàn 117.

“Tôi đã gặp ông Quý. Ông ấy còn dẫn gia đình đến gặp các cựu chiến binh đang sống ở Tây Ninh để tìm manh mối. Tuy nhiên, họ là đặc công nước, chiến đấu chủ yếu ở Đông Nam Bộ, nên không biết chi tiết về đơn vị đặc công của em Lập ở biên giới phía Tây. Chúng tôi cũng đã đi nhiều nghĩa trang liệt sĩ ở Tây Ninh, một trong số đó có mộ chí ghi vỏn vẹn: “Liệt sĩ Lập”, nhưng không cách gì để xác định đó có phải là em tôi không”, ông Dương chia sẻ.

Tuy nhiên, qua ông Quý, gia đình liệt sĩ Phạm Huy Lập đã tiếp cận với Ban Liên lạc chiến sĩ đặc công thành phố Hồ Chí Minh. Bài báo về liệt sĩ Phạm Huy Lập được các cựu chiến binh chuyển cho nhau cùng lời nhắn: “Góp sức giúp gia đình tìm liệt sĩ”.

Một ngày cuối năm 2021, ông Dương nhận được cuộc điện thoại bất ngờ: “Em là Trần Văn Bờ, đang sống ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Em là người cùng đại đội với Lập”. Ông Bờ cùng gia đình liệt sĩ Lập đã chia sẻ thông tin, kết nối với những người đồng đội khác đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, như các  ông Trương Duy, Khuất Duy Tiến, Trịnh Phương Tri… Từ đó, thông tin về liệt sĩ Lập dần sáng tỏ.

Theo đó, sau quá trình chiến đấu trong một đơn vị đặc công miền trên khắp các chiến trường Tây Ninh và Long An, anh Phạm Huy Lập được giao nhiệm vụ Tiểu đội trưởng. Cựu chiến binh Trịnh Phương Tri còn nhớ rõ đêm công đồn tháng 12-1974: “Anh Lập dẫn tổ trinh sát 3 người xâm nhập Chi khu Tuyên Nhơn và hy sinh khi trở ra. Chúng tôi đưa anh về làm lễ truy điệu và an táng tại mép mương lộ dẫn ra bờ sông Vàm Cỏ Tây. Sau đó, diễn biến chiến trường nhanh, đơn vị di chuyển liên tục nên không còn thông tin mộ chí của đồng đội”.

Ông Trương Duy tiếp lời: “Đến đầu những năm 2010, chúng tôi tìm về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An và biết năm 1976, chính quyền và người dân địa phương đã quy tập 20 liệt sĩ của đơn vị về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ liên huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Vùng mộ chôn trước đó thường xuyên ngập nước, nên các mảnh giấy ghi tên tuổi liệt sĩ gói trong túi ni lông đều nhòe hết”.

Một ngày cuối tháng 4-2022, Đoàn các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ Phạm Huy Lập đã tìm về Nghĩa trang Liệt sĩ liên huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa với hàng nghìn mộ liệt sĩ sơn trắng nằm đều tăm tắp. Khu vực mộ 20 liệt sĩ của C5, D7, E367B nằm yên bình. Bia đá ghi dòng chữ “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Biết được nơi an nghỉ của em trai, ông Phạm Văn Dương, các thành viên trong gia đình và đồng đội vô cùng phấn khởi. Chắp tay hướng về mộ phần liệt sĩ Phạm Huy Lập, ông Dương khấn: “Lập ơi! Sau hàng chục năm xa cách, nay đồng đội đưa nhà ta về viếng em. Biết em nằm đây giữa bạn chiến đấu, giữa sự yêu thương trân quý của bà con miền Nam suốt những năm qua, gia đình mình đã toại nguyện. Mong em yên nghỉ và phù hộ cho tất cả được bình an”.

Thu Minh