Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:21, 30/04/2022
- Xin ông cho biết, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, chăn nuôi Hà Nội cần phát triển như thế nào?
- Nhìn chung, trong các tháng đầu năm 2022, chăn nuôi phát triển ổn định, hiện toàn thành phố có 7.528 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ, bao gồm: 110 trang trại lớn, 1.609 trang trại vừa, 5.809 trang trại nhỏ. Về số lượng và chất lượng, đàn trâu 27,5 nghìn con, tăng 5,4% so với cùng kỳ; đàn bò 130,5 nghìn con, tăng 0,1%; đàn lợn 1,37 triệu con, tăng 0,9%; đàn gia cầm là 39,9 triệu con, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước tính 1.871 tấn, tăng 6,2%; bò hơi 10.608 tấn, tăng 0,4%; lợn hơi 228,3 nghìn tấn, tăng 11,1%; gia cầm hơi 164,6 nghìn tấn, tăng 5,9%; sản lượng trứng gia cầm 2.564 triệu quả, tăng 7,4%; sản lượng sữa bò tươi đạt 38,7 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nên kiểm soát được dịch bệnh, tạo ra nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
- Mặc dù đã đạt nhiều kết quả khả quan song thách thức của ngành chăn nuôi Hà Nội năm 2022 là gì, thưa ông?
- Hiện nay, chăn nuôi Hà Nội đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục biến động, tăng 20-40% tùy loại nguyên liệu, dẫn đến giá thức ăn hỗn hợp tăng cao. Giá xăng dầu trên toàn cầu tăng mạnh, trực tiếp ảnh hưởng đến việc lưu thông vận chuyển tất cả mặt hàng liên quan đến chăn nuôi như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tăng chi phí đầu vào biến động khó lường. Ngoài ra, chăn nuôi thâm canh mật độ cao sẽ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm…
Mặc dù chăn nuôi lớn song Hà Nội hiện có nhiều trang trại chăn nuôi phát triển theo hướng tự phát, trong sản xuất các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết còn chưa nhiều, lượng sản xuất và quy mô còn nhỏ.
- Vậy, ông có thể cho biết ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ có những giải pháp gì để chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững?
- Hiện nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang phối hợp với các địa phương tập trung phát triển theo hướng sản xuất giống, thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện quản lý giống vật nuôi theo Luật Chăn nuôi, tổ chức kiểm tra, đánh giá, tiếp tục nâng cao chất lượng giống; tăng cường chỉ đạo phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo quy trình bảo đảm vệ sinh môi trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi tuần hoàn theo chuỗi khép kín, chăn nuôi hữu cơ, thực hành chăn nuôi tốt; tăng cường giám sát quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT sẽ làm việc với các huyện chuẩn bị trở thành quận (Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì) để rà soát hạn chế chăn nuôi; khảo sát công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, công nghệ chuồng trại, đánh giá phù hợp quy mô chăn nuôi trang trại, khoảng cách chăn nuôi; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh thông qua việc giám sát dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục...); tổ chức tốt việc tổng tẩy uế môi trường để ngăn chặn, hạn chế mầm bệnh, nhất là đối với các bệnh mới, chủng mới (cúm A/H5N8, A/H5N9...). Sở sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức xây dựng các vùng an toàn dịch, cơ sở an toàn dịch, tập trung tại xã, vùng trọng điểm, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại… Mặt khác, Hà Nội đẩy mạnh đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
- Trân trọng cảm ơn ông!