Sự cảnh tỉnh cần thiết
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 01/05/2022
Với lớp trẻ chưa có sự trưởng thành đầy đủ về nhận thức và hành động thì việc “ăn theo” lời nói, việc làm của “thần tượng” là có thật. Đặc biệt là trong bối cảnh vừa qua đã xảy ra nhiều vụ học sinh tự tử rất thương tâm thì việc làm của Sơn Tùng M-TP khiến dư luận không thể im lặng.
Đáng ghi nhận là sau khi nắm bắt được thông tin, các cơ quan quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng vào cuộc và xác định, MV của Sơn Tùng M-TP đã vi phạm Khoản 4, Điều 3, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Cụ thể là đã sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, tâm lý xã hội...
Chắc chắn, ca sĩ Sơn Tùng M-TP sẽ phải chịu hình thức xử lý nghiêm khắc. Sự việc này cũng thêm một hồi chuông cảnh tỉnh cho sự dễ dãi của một số ít nghệ sĩ về việc cần nhìn nhận, ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm xã hội của mình. Hơn ai hết, mỗi nghệ sĩ cần phải nhận thức được rằng, nhờ có công chúng yêu mến tài năng thì họ mới có thể nổi tiếng. Danh tiếng và tài năng chính là tài sản mà không phải ai cũng dễ dàng có được, cho nên không được phép lãng phí. Bởi mỗi phát ngôn, mỗi dòng trạng thái trên mạng xã hội, mỗi hành động của họ nhất nhất đều được cộng đồng dõi theo, đón nhận, kể cả phán xét… Đó là điều hết sức bình thường trong một xã hội mở và điều này cũng đặt lên vai người nghệ sĩ trọng trách trước cộng đồng, xã hội.
Hẳn nhiên, khi đòi hỏi ở người nghệ sĩ, mỗi người trong xã hội cũng phải có trách nhiệm của mình. Thay vì hùa theo, “đu trend”, cộng đồng cần lên tiếng mạnh mẽ và bày tỏ chính kiến trước những hành vi lệch chuẩn của nghệ sĩ nào đó. Sự lên án thẳng thắn, không ngại động chạm sẽ khiến cho chính những "người của công chúng" thức tỉnh để nhìn nhận, điều chỉnh lại bản thân.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý văn hóa cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” trong giới nghệ sĩ, qua đó góp phần lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa đến cộng đồng. Ngoài kịp thời biểu dương những nghệ sĩ có nghĩa cử, hành động cao đẹp thì cần kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm để làm gương, trả lại không gian văn hóa, nghệ thuật đích thực. Đồng thời, gỡ bỏ những thông tin xấu độc trên môi trường mạng internet, tránh những cuộc “khủng hoảng thông tin”, những lượng “rác” lớn trên không gian mạng đến từ những hành vi thiếu văn hóa của một số người dùng, trong đó có nghệ sĩ.
Với gia đình và nhà trường, cũng rất cần quan tâm đến thị hiếu của con trẻ thông qua việc định hướng những giá trị tốt đẹp, giúp trẻ tự hình thành “vắc xin” miễn nhiễm với sản phẩm văn hóa độc hại.
Nếu tất cả mọi người đều tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội thì sự lệch chuẩn về văn hóa sẽ ngày càng giảm.