Liên minh châu Âu: Kiểm soát Covid-19 theo hướng bền vững
Thế giới - Ngày đăng : 07:46, 01/05/2022
Thông báo trên được EU đưa ra khi số ca tử vong và nhập viện liên quan đến Covid-19 trên khắp châu Âu đã giảm đáng kể do sự lan rộng của biến chủng Omicron ít độc lực hơn, cũng như hơn 70% dân số EU đã được tiêm chủng, một nửa số dân đã tiêm một mũi tăng cường.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của đại dịch, khi chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý bền vững hơn đối với Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải cảnh giác. Số ca lây nhiễm vẫn còn cao ở EU và nhiều người vẫn đang tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới. Hơn nữa, các biến chủng mới có thể xuất hiện và lây lan nhanh chóng. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường”.
Trong hơn hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người ở EU, gây quá tải hệ thống y tế, buộc nhiều chính phủ phải hạn chế đi lại, đồng thời triển khai nhiều nỗ lực nghiên cứu và hậu cần quy mô lớn để nhanh chóng phủ vắc xin. Khi gánh nặng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe do đại dịch đã giảm trong những tuần gần đây, một số quốc gia EU đã bỏ các hạn chế nhằm phòng, chống Covid-19, tạo ra một sự không đồng bộ đối với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong toàn khối.
Một số nước thành viên EU đã chuyển sang coi Covid-19 là "bệnh đặc hữu". Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez hồi tháng 1-2022 nói rằng, vi rút này nên được điều trị như bệnh cúm. Thụy Điển đã loại bỏ chương trình thử nghiệm hàng loạt và dỡ bỏ các hạn chế vào tháng 2, trong khi Italia chấm dứt tình trạng khẩn cấp vào ngày 31-3. Mới đây nhất, ngày 27-4, Đan Mạch cho biết đang đình chỉ chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 trên diện rộng sau khi tuyên bố rằng dịch bệnh hiện đã được kiểm soát.
Đến nay, hơn 2/3 dân số trưởng thành của EU đã tiêm vắc xin, nhưng một số nước vẫn có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Chẳng hạn, trong khi 70% dân số Malta đã tiêm mũi tăng cường thì ở Bulgaria chỉ là 10%. Vì vậy, trong một nỗ lực để trở lại cuộc sống bình thường mới, chiến lược giai đoạn mới của EU là kêu gọi các nước thành viên tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng cho người chưa tiêm.
Chiến lược thứ hai là phát triển các loại thuốc kháng vi rút và các thế hệ vắc xin phòng Covid-19 mới. Liên minh châu Âu đang thúc đẩy việc nghiên cứu thế hệ tiếp theo của vắc xin phòng Covid-19, với kỳ vọng sẽ cung cấp khả năng bảo vệ lâu dài và mạnh mẽ hơn.
Chiến lược thứ ba là điều chỉnh các biện pháp giám sát vi rút. Thay vì tập trung nguồn lực cập nhật trường hợp lây nhiễm, chiến lược mới tăng cường giải trình tự bộ gen để phát hiện các biến chủng mới. Cuối cùng, EU cũng khuyến nghị các quốc gia sẵn sàng tâm thế quay trở lại các biện pháp khẩn cấp nếu cần thiết.
Sống chung với đại dịch Covid-19 trong hơn hai năm, châu Âu đang rơi vào tình trạng “mệt mỏi vì đại dịch và tiêm chủng”, nhưng các tổ chức y tế trên toàn thế giới lo ngại về cách các biến chủng mới có thể đưa thế giới trở lại như ngày đầu bùng phát dịch. Thế nên, khi EU đang thận trọng tiến tới một giai đoạn mới, giới chức WHO cảnh báo rằng đây không phải là lúc để mất cảnh giác và đại dịch vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.