Cần quyết liệt giải ''bài toán'' ùn tắc
Giao thông - Ngày đăng : 06:44, 03/05/2022
Vẫn còn 34 điểm ùn tắc
Bằng việc lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu, cải tạo vỉa hè, đồng thời di chuyển điểm dừng xe buýt và mở thông nút giao Hoàng Liệt - Giải Phóng, điểm ùn tắc tại nút giao Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai) đã được xử lý dứt điểm.
“Bây giờ, di chuyển từ trong khu đô thị Linh Đàm ra đường Giải Phóng, Pháp Vân đã thông thoáng, không còn cảnh tắc nghẽn nghiêm trọng tại nút giao Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ vào các khung giờ cao điểm như trước đây”, chị Bùi Hương Giang (chung cư HH2 Linh Đàm) chia sẻ.
Tuy nhiên, đó là điểm ùn tắc duy nhất trong tổng số 35 điểm ùn tắc được xử lý hiệu quả trong 4 tháng đầu năm 2022. Như vậy, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện còn tới 34 điểm ùn tắc, trong đó có những điểm đã trở thành “kinh niên” như đầu phía Bắc cầu Chương Dương (quận Long Biên); nút giao cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng); đường Nguyễn Khoái, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Vành đai 1 (quận Hai Bà Trưng); nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân); nút giao Ngã Tư Sở (hướng từ Hà Đông đi trung tâm thành phố)…
Có rất nhiều nguyên nhân khiến các khu vực nói trên trở thành điểm ùn tắc phức tạp. Như phía Bắc cầu Chương Dương do lưu lượng giao thông lớn trong giờ cao điểm; mặt cắt ngang vào cầu bị thu hẹp hơn so với đường đầu cầu. Cùng với đó là xung đột giao thông tại lối từ đường Ngọc Lâm, Bát Tràng lên cầu. Hay như nút giao Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn, ngoài yếu tố mặt đường hẹp thì cầu Lạc Trung đang phải “gánh” lưu lượng phương tiện lớn dồn về do cầu Mai Động rào chắn để thi công Dự án Vành đai 2…
Tập trung xử lý dứt điểm các “điểm nóng”
Trong năm 2022, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu xử lý dứt điểm 10 điểm ùn tắc, không để các điểm ùn tắc kéo dài trên 30 phút, đồng thời hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho biết, quận sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội duy trì lực lượng tại 58 tuyến đường, nút giao thông, cổng các bệnh viện, trường học… trên địa bàn quận có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các dự án đang thi công như: Nút giao Phạm Ngọc Thạch, nút Ngã Tư Vọng - Giải Phóng…; tiếp tục sử dụng mạng xã hội (Zalo) kiểm tra, đôn đốc, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, hiện cơ quan chức năng của thành phố đang tập trung xử lý các “điểm nóng” như: Lối lên đường Vành đai 3 trên cao trước cổng tòa nhà Thăng Long Number One, nút giao Bạch Mai - Trương Định, nút giao Đại La - Trần Đại Nghĩa, Đại La - Ngã Tư Vọng - Giải Phóng… Đồng thời duy trì phối hợp với chính quyền địa phương nắm bắt tình hình giao thông, trật tự đô thị, kịp thời khắc phục, xử lý các điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông.
Đối với các điểm ùn tắc có nguyên nhân từ việc rào chắn, thu hẹp lòng đường để phục vụ thi công dự án giao thông trọng điểm, thành phố chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Trong đó tập trung vào các dự án: Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở; hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3; ga ngầm S9 Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2… Cùng với đó tổ chức lại giao thông phù hợp và kiến nghị thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã lắp đặt hệ thống camera giám sát làm cơ sở điều hành giao thông, xử phạt các phương tiện vi phạm. Về lâu dài, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống giao thông - vận tải hành khách công cộng và triển khai chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, các lực lượng chức năng của thành phố đã có nhiều nỗ lực trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, song kết quả vẫn chưa bền vững, ùn tắc vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, thành phố Hà Nội cần quyết liệt thực hiện các biện pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, thu phí phương tiện giao thông cá nhân vào nội đô...
“Chưa thể khẳng định thu phí phương tiện vào nội đô có thể giảm ngay ùn tắc mà phải kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác. Tuy nhiên, thu phí vào nội đô phải là điểm đột phá và cần được triển khai sớm. Chỉ có khoảng 15-20% người sử dụng phương tiện ô tô cá nhân chịu tác động nhưng toàn bộ người dân Thủ đô sẽ được hưởng lợi từ chủ trương này”, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân kiến nghị.