Đẩy lùi nỗi lo
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:39, 04/05/2022
Công điện nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về Trẻ em đã có nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống đuối nước trẻ em. Với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, gia đình và cộng đồng trong việc phòng, chống đuối nước nên số trẻ em bị tử vong do đuối nước đã giảm qua từng năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vụ đuối nước gây tử vong cho trẻ em vẫn thường xuyên xảy ra và ở mức cao tại một số địa phương…
Mới đây nhất, chiều 1-5, một bé trai ở xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đuối nước tử vong tại cồn Long Khánh khi đi chơi cùng gia đình.
Tiếp đó, tối 2-5, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của tỉnh Bình Phước vẫn tích cực tìm kiếm một học sinh lớp 3 được cho là mất tích do đuối nước tại lòng hồ thủy điện Thác Mơ… Những thông tin liên tiếp “xé lòng” ngay trong dịp nghỉ lễ vừa qua như một hồi chuông cảnh báo về vấn nạn đuối nước với trẻ em, đặc biệt trong dịp nghỉ hè sắp tới.
Thực tế cho thấy, đuối nước luôn là vấn đề “nóng” mỗi dịp đến hè, vào mùa mưa lũ. Những vụ đuối nước thương tâm diễn ra tại nhiều vùng nông thôn và thành phố đã cướp đi cả nghìn sinh mạng mỗi năm để lại nỗi đau cho nhiều gia đình, nỗi lo lắng cho toàn xã hội.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên như: Các địa phương chưa chú trọng việc xây dựng hệ thống biển báo cũng như cảnh báo nguy hiểm tại những khu vực có thể và đã xảy ra đuối nước; công tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống đuối nước còn nhiều hạn chế, nhiều học sinh chưa ý thức được sự nguy hiểm khi tắm biển, tắm sông, tắm suối… Đặc biệt phải kể đến tình trạng nhiều trẻ em không biết bơi và thiếu các kỹ năng, kiến thức về phòng, tránh tai nạn đuối nước…
Để ngăn chặn vấn nạn đuối nước, đặc biệt trong dịp nghỉ hè của trẻ em, thì việc đầu tiên là, các địa phương cần khẩn trương lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn đuối nước trên địa bàn như: Hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu nguy hiểm… Đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa như làm rào chắn, biển cảnh báo cũng như tổ chức các hoạt động giám sát, cảnh giới, nhắc nhở.
Cùng với đó là việc tạo đột phá mới trong công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở và người dân về công tác phòng, chống tai nạn đuối nước. Trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trong trường học để học sinh nhận thức đúng và tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tại các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ, bảo đảm an toàn cho bản thân; phát huy năng lực giám sát của cộng đồng trong phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Ngành Giáo dục và ngành Thể dục - thể thao cần phối hợp chặt chẽ, triển khai các giải pháp hướng dẫn kỹ năng, tạo bước chuyển mới thúc đẩy phong trào dạy bơi an toàn, hướng tới phổ cập bơi lội cho học sinh toàn quốc. Cùng với đó là chú trọng xây dựng, bảo dưỡng hệ thống bể bơi ở các địa phương, các nhà trường, qua đó tăng cường cơ sở vật chất cho việc dạy bơi, học bơi; tạo cơ chế khuyến kích các cơ sở dịch vụ thể thao hỗ trợ các lớp dạy bơi cũng như hoạt động thể thao trong dịp hè cho học sinh.
Có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội với những giải pháp mới, tình trạng đuối nước sẽ được đẩy lùi, giải tỏa lo lắng, bất an mỗi dịp hè về.