Bảo vệ an toàn hành lang thoát lũ

Công nghệ - Ngày đăng : 07:47, 04/05/2022

(HNM) - Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, quận Tây Hồ đã cơ bản ngăn chặn tình trạng đổ trộm phế thải và xây dựng công trình trong hành lang thoát lũ sông Hồng qua địa bàn. Để chống tái vi phạm, bảo vệ an toàn hành lang thoát lũ, quận Tây Hồ đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp.

Lực lượng chức năng phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) kiểm tra việc xử lý vi phạm lấn chiếm đất công, dựng nhà trong hành lang thoát lũ sông Hồng.

Quan sát tại các phường: Nhật Tân, Phú Thượng, Tứ Liên, Yên Phụ… phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, nhiều vị trí lạch sông, hành lang thoát lũ sông Hồng đã bị lấp kín bởi phế thải xây dựng, sau đó được san phẳng, hình thành những ruộng đào, quất, lều lán, nhà ở... Đơn cử, hơn 4.300m2 bãi sông ở cuối ngõ 264 Âu Cơ thuộc địa bàn phường Nhật Tân bị tôn cao khoảng 50-80cm so với bề mặt cũ. Nhiều vị trí bãi sông đoạn cuối ngõ 1, 5, 9, 11 - khu tập thể F361 (phường Yên Phụ) cũng bị tôn cao…

Theo Hạt Quản lý đê 4 quận nội đô (Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội), việc đổ phế thải xây dựng, tôn cao bãi sông… là hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, ảnh hưởng đến không gian chứa lũ, cản trở dòng chảy… “Phát hiện những vụ việc này, cơ quan quản lý đê đã lập biên bản, gửi hồ sơ, đề nghị các phường và quận Tây Hồ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật…”, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê 4 quận nội đô Vũ Văn Ảnh cho biết.

Theo UBND quận Tây Hồ, sông Hồng chảy qua địa phận 5 phường của quận với chiều dài hơn 7,5km. Do mực nước sông Hồng xuống thấp nên tạo ra nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ngoài bãi sông. Tận dụng đặc điểm này, một số hộ dân trên địa bàn đã đổ đất để trồng đào, quất, các loại hoa, dựng lều lán trông nom tài sản, làm công trình phụ trợ khai thác du lịch sinh thái… Đặc biệt, một số đối tượng lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ lễ đổ trộm phế thải xây dựng xuống lạch sông, bãi sông…

Để khắc phục tình trạng trên, quận Tây Hồ đã thành lập Ban Chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đê điều tại khu vực bãi sông. Quận cũng thành lập thêm 2 tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, trong đó, mỗi tổ phụ trách 2-3 phường. Đồng thời, quận đã ra quân dỡ bỏ 202 lều lán, khung cột sắt lợp mái tôn, hàng rào làm bằng lưới thép; thu hồi mặt bằng, dựng hàng rào chống lấn chiếm hơn 13,6ha đất bãi; cắm biển cấm ô tô tải tại 8 ngõ đi ra khu vực bãi sông Hồng theo hướng dẫn của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội…

Đến nay, 5 phường của quận Tây Hồ cơ bản ngăn chặn được tình trạng đổ đất, phế thải xây dựng vào lạch sông, bãi sông Hồng. Để xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai, quận chỉ đạo các phường tiếp tục duy trì lực lượng trực tại các chốt, tăng cường tuần tra, ngăn chặn phương tiện vận chuyển phế thải xây dựng đi vào bãi sông, nhất là ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ lễ, Tết. Các phường kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm việc mua bán đất bãi sông; lập phương án, đề án, đăng ký kế hoạch sử dụng đất bãi sông…

“Để quản lý hiệu quả đất đai trong hành lang thoát lũ, mang lại nguồn thu cho ngân sách, quận Tây Hồ đề nghị các sở, ngành liên quan đề xuất UBND thành phố cho phép địa phương được tổ chức đấu giá quyền thuê đất bãi sông làm nơi trồng hoa, cây cảnh, sản xuất nông nghiệp, phát triển các mô hình du lịch sinh thái…”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Phạm Quang Đông cho biết, đơn vị đang nghiên cứu, đề xuất các cấp, các ngành xem xét, giải quyết kiến nghị của quận Tây Hồ… “Trước mắt, quận Tây Hồ cần yêu cầu các chủ vi phạm hoặc các phường thanh thải toàn bộ phế thải xây dựng đã đổ xuống lạch sông, bãi sông, bảo đảm không cản trở dòng chảy trong mùa mưa lũ…”, ông Phạm Quang Đông đề nghị.

Kim Nhuệ