Làm khi lành để dành khi đau

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 05/05/2022

(HNM) - Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, với mục tiêu nhất quán là góp phần nâng cao đời sống, chăm sóc sức khỏe nhân dân, không vì lợi nhuận.

Được ví như là “của để dành” để khi về già người dân có lương hưu, có thẻ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe, thế nhưng đến nay, số người tham gia chính sách này trên thực tế còn rất thấp. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết quý I-2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới đạt gần 1,3 triệu người. Còn tại Hà Nội, cũng mới có khoảng 63.000 lao động tham gia chính sách này, chỉ bằng 1,3% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Vì đâu mà một chính sách rất ưu việt như vậy vẫn chưa thu hút được người dân tham gia?

Thực tế cho thấy, đa phần người dân vẫn đang băn khoăn, lưỡng lự bởi một số quy định khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn. Đó là thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện còn dài (20 năm), lại không có chế độ ốm đau, thai sản, nên chưa thu hút được lao động trẻ, nhất là lao động nữ. Đáng nói, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp, khiến một số người dù muốn, cũng không đủ khả năng để theo đuổi trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, nhiều người dân còn chưa nắm bắt đầy đủ về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thực trạng này là do công tác tuyên truyền chưa “tới nơi, tới chốn”; chưa có sự phối hợp hiệu quả trong tổ chức thực hiện chính sách giữa các cấp, ngành ở địa phương…

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đông đảo người dân được bảo vệ bởi lưới an sinh bảo hiểm xã hội tự nguyện, sống vui, sống khỏe khi về già chính là nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với các cấp, ngành chức năng và địa phương.

Nhiệm vụ then chốt hiện nay là cả hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc, thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, việc cần thiết là phải phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Trên tinh thần này, những quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện sao cho phù hợp với bối cảnh hiện nay, đặc biệt là bám sát đời sống, thu nhập của người dân ở các vùng miền để có những hỗ trợ cần thiết.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần xác định việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Ngành Bảo hiểm xã hội cần phối hợp với các ngành chức năng, địa phương đổi mới phương thức truyền thông về tính ưu việt của chính sách nhân văn này qua nhiều kênh thông tin cả trực tiếp và trực tuyến; chú trọng truyền thông theo nhóm nhỏ, trực tiếp đến từng người, gia đình, phù hợp đặc thù địa bàn, nhóm đối tượng.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho lực lượng cán bộ, nhân viên; đồng thời, lựa chọn những người uy tín làm đại lý, nhân viên thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở cấp cơ sở.

Dù triển khai theo hướng nào, thì người lao động luôn giữ vai trò quyết định. Do đó, mỗi người, trên cơ sở điều kiện của mình nên cố gắng tích lũy bằng cách tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để có cơ hội sống vui, sống khỏe lúc tuổi già.

“Làm khi lành để dành khi đau”! Một trong những cách “để dành” thiết thực, mang lại lợi ích cho nhiều phía là tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bắc Vũ