Những bài học lịch sử
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:30, 05/05/2022
Song, câu chuyện mà tôi muốn nói không chỉ nằm ở khía cạnh du lịch. Buổi sáng ngày thứ nhất xuất phát từ Hà Nội đến thị xã Quảng Yên (huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh), trước khi nghỉ ăn trưa đoàn tham quan bãi cọc Bạch Đằng, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt chống ngoại xâm của cha ông. Trước lúc đến đây, mấy phụ huynh cũng đã tranh thủ “thuyết minh” cho đám trẻ hiểu thêm về lịch sử vùng đất Hà Nam, nơi ghi dấu ấn khai phá, mở cõi của cư dân Thăng Long xưa… Ngày thứ hai, trên hành trình “chinh phục” mấy cột mốc nổi tiếng ở Bình Liêu, cái tên “núi Cao Ba Lanh” được nhắc đến với tư cách một địa danh in đậm dấu ấn lịch sử của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc hồi tháng 2-1979… Những “bài học lịch sử” liên quan đến pháo đài Đồng Đăng, thành nhà Mạc… tiếp tục được kể trên cung đường từ Bình Liêu về Lạng Sơn, và cả ngày hôm sau nữa, khi chúng tôi thăm thú xứ Lạng…
Nhìn vào không khí hào hứng của các thành viên, nhất là đám trẻ không chỉ “lục vấn” cha chú mà còn chủ động tra cứu Google để tìm hiểu thêm thông tin, có lẽ cũng không phải là chủ quan khi cho rằng đây là một chuyến đi bổ ích, ý nghĩa. Và những gì diễn ra trong chuyến đi đã làm không ít người trong cuộc liên tưởng tới những ồn ào suốt mấy tuần qua xung quanh câu chuyện dạy và học môn lịch sử ở trường phổ thông.
Thực tế thì từ nhiều năm qua dư luận đã nói nhiều về tình trạng học sinh chán học môn lịch sử. Chuyện học sinh nhầm lẫn Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em, nhầm lẫn Quang Trung với Nguyễn Du… đều không phải là chuyện bịa. Có kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông có hàng nghìn điểm 0 môn sử. Có mùa thi cả một điểm trường chỉ duy nhất 1 thí sinh dự thi môn sử, được phục vụ bởi một hội đồng thi ngót 20 người. Có năm học đề cương môn lịch sử bị xé trắng xóa sân trường sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố danh sách môn thi tốt nghiệp không có môn lịch sử… Sự chán (học sử) của các em có lẽ trước hết bắt nguồn từ việc lịch sử không phải là một môn học hấp dẫn (do chương trình nhàm chán, giáo viên chủ yếu dạy chay, nặng về nhồi nhét kiến thức, sự kiện, con số, ngày tháng mà không giúp các em có được nhận thức, hiểu biết sâu sắc về lịch sử…). Tuy nhiên, một lý do quan trọng khiến môn sử không được nhiều học sinh yêu thích, đó chính là “đầu ra”. Rất hiếm phụ huynh muốn con mình chọn lịch sử như một định hướng nghề nghiệp, bởi ai cũng biết đây không phải ngành nghề “kiếm được”…
Từ năm học 2022-2023, lịch sử không còn là môn học bắt buộc đối với học sinh Trung học phổ thông. Theo như giải thích của những người chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018, sau khi học xong 9 năm phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 9), học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản, trong đó có môn lịch sử, đảm bảo yêu cầu phát triển thể chất và năng lực tư duy. Từ lớp 10 trở đi, lịch sử chỉ còn là môn tự chọn đối với những học sinh định hướng nghề nghiệp liên quan hoặc yêu thích môn sử.
Việc lịch sử không phải là môn học bắt buộc có nguy cơ làm rộng thêm “lỗ thủng” về kiến thức lịch sử trong thế hệ trẻ. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ các em học sử như thế nào, mà là người lớn chúng ta dạy sử cho các em thế nào. Bởi thế, ngành Giáo dục cần đổi mới chương trình, phương pháp dạy môn lịch sử, để lịch sử trở thành môn học hấp dẫn với những bài học trực quan, sinh động, dễ thuộc, dễ nhớ, được các em yêu thích, giúp các em có được tri thức, hiểu biết xã hội sâu rộng về quá khứ, hiện tại và tương lai, về những vùng đất, con người, truyền thống dân tộc, văn hóa, văn minh…, từ đó giúp các em có được tư duy, nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan và lý tưởng sống đúng đắn cho mình.