Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường tấn công, trấn áp tội phạm cướp giật

Pháp luật - Ngày đăng : 18:41, 05/05/2022

(HNMO) - Trong vòng 1 tháng qua, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra các vụ nạn nhân hoặc người chứng kiến cướp giật đuổi theo những tên cướp, sau đó tự ngã và tử vong. Công an thành phố Hồ Chí Minh vừa tăng cường tấn công, trấn áp tội phạm, vừa đề nghị người dân tham gia phòng, chống tội phạm đúng cách để an toàn và hiệu quả.

 Đối tượng Huy (bên trái) và Thành tại cơ quan Công an. Đây là hai đối tượng cướp giật gây chết người hôm 27-4.

Ngày 5-5, Công an quận 12 (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, đã bắt được hai tên cướp giật điện thoại người đi đường hôm 27-4 trên đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Người bị hại là anh C.X.Đ (sinh năm 2003, quê Nghệ An). Sau khi bị cướp, anh Đ đã tăng ga đuổi theo, va chạm với đuôi xe của bọn cướp. Anh Đ ngã ra đường và tử vong.

Hai tên cướp bị bắt gồm Điền Đức Huy (sinh năm 1997) và Phùng Tấn Thành (sinh năm 1998, không có nơi ở cố định). Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai đối tượng này để điều tra hành vi cướp giật tài sản gây chết người.

Trước đó, rạng sáng 21-4, N.T.V - nữ sinh viên một trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang chạy xe máy trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) thì bị hai tên cướp phóng xe máy cướp điện thoại. V đuổi theo, khi đến đoạn khu dân cư City Land thì va chạm với xe máy kéo theo rơ-moóc tự chế (xe máy lôi tự chế) đang băng ngang qua đường. Hậu quả, V tử vong. Cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ vụ việc.

Lực lượng mật phục của Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt một đối tượng hình sự.

Theo thống kê của Công an thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 4-2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 8 vụ cướp tài sản, 61 vụ cướp giật tài sản. Những số liệu thống kê này giảm so với cùng kỳ, nhưng tăng so với tháng trước. Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an thành phố Hồ Chí Minh, Công an thành phố đã và đang triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với mọi loại tội phạm, trong đó có tội phạm cướp, cướp giật.

“Công an thành phố đã trển khai nhiều đội đặc nhiệm săn bắt cướp cấp thành phố và quận, huyện để tuần tra, mật phục trên các tuyến đường, sẵn sàng phát hiện và tấn công tội phạm. Công an thành phố cũng triển khai thêm các tổ 363 (giống mô hình 141 ở Hà Nội) để lập chốt kiểm soát tại các địa bàn trọng yếu. Cùng với đó, Công an thành phố tăng cường quản lý địa bàn, quản lý di biến động các đối tượng tiền án, tiền sự; phối hợp với các cấp chính quyền quản lý chặt hơn những ngành nghề kinh doanh có điều kiện… để ngăn chặn tối đa việc xảy ra các vụ cướp, cướp giật”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.

Lực lượng 363, Công an thành phố Hồ Chí Minh đóng chốt tại các địa bàn trọng điểm, phòng ngừa tội phạm.

Cũng theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, tinh thần tham gia phòng, chống tội phạm của người dân là rất quý. Tuy nhiên, người dân cần chú ý nguyên tắc đầu tiên là bảo toàn sức khỏe, mạng sống của mình.

Thượng tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo: Khi bị cướp hoặc chứng kiến cướp giật, người dân cần hô to, báo hiệu cho người và lực lượng chức năng tại khu vực đó. Nếu đeo bám tội phạm, cần giữ khoảng cách, tốc độ an toàn, ghi nhận càng nhiều càng tốt các thông tin nhận diện bọn cướp. Sau đó, báo ngay cho cơ quan công an gần nhất. Việc đấu tranh trực diện với tội phạm nguy hiểm, manh động sẽ do lực lượng chức năng có đủ chuyên môn, nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ triển khai.

“Người đi đường cũng cần tăng cường ý thức bảo vệ tài sản, tính mạng của mình. Không để túi hớ hênh khi đi xe máy; khi nghe điện thoại, cần dừng lại nơi có thể quan sát an toàn, tránh bị tội phạm lợi dụng sơ hở để hành động”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Thanh Trúc