Sẵn sàng ứng phó

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:49, 07/05/2022

(HNM) - Ngày 4-5, giá xăng, dầu tiếp tục tăng từ 300 đồng đến 400 đồng/lít. Đây là kỳ điều hành thứ hai liên tiếp giá xăng, dầu tăng. Tính chung từ đầu năm 2022, giá xăng, dầu đã 7 lần tăng, 3 lần giảm. Giá xăng đã tiệm cận gần mốc 30.000 đồng/lít - mức cao chưa từng có.

Cùng với giá xăng, dầu, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng tăng mạnh kể từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay. Điều này dễ hiểu, bởi xăng, dầu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất; xăng, dầu tăng giá trực tiếp tác động đến khâu lưu thông hàng hóa. Song, bên cạnh đó cũng có việc lợi dụng giá xăng, dầu tăng để “té nước theo mưa”. Không chỉ riêng lần này mà nhiều lần xăng, dầu tăng giá trước cũng vậy.

Thực tế, nhiều bà nội trợ than phiền về việc giá cả hàng hóa tăng nhanh. Nếu năm 2021, với 100.000 đồng, việc đi chợ cho một bữa ăn khá thoải mái, thì giờ phải nâng lên đặt xuống, cân nhắc, tính toán chi ly. Rõ ràng, giá cả hàng hóa tăng đã tác động đến hầu hết người lao động, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp.

Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2022 tăng 0,18% so với tháng 3-2022, tăng 2,09% so với tháng 12-2021 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, giá xăng, dầu tăng 48,84% so với cùng kỳ năm 2021. Giá gas cũng tăng 24,6%, giá vật liệu xây dựng tăng 8,51%, giá gạo tăng 0,98%, giá dịch vụ ăn uống tăng 3,17%... Lạm phát cơ bản tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn CPI, cho thấy biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, giá xăng, dầu.

Ở cấp điều hành, diễn biến giá cả thị trường vẫn luôn được theo sát. Nhiều biện pháp kiềm chế leo thang giá cả đã được thực hiện. Chẳng hạn như giảm thuế môi trường với mặt hàng xăng, dầu, nhờ đó xăng, dầu đã có đợt giảm giá ngay khi giá dầu thế giới tăng mạnh. Việc giá xăng, dầu trong nước tăng theo giá thế giới là quy luật thị trường, nhưng rõ ràng trong điều hành cần tính đến các dư địa để kiềm chế giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài sử dụng Quỹ Bình ổn giá, có lẽ nên tiếp tục tính phương án giảm thuế, phí.

Đi cùng với đó là giải pháp bảo đảm tự chủ sản xuất, cung ứng trong nước, chủ động cân đối cung - cầu hàng hóa. Kết nối, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến phân phối là cách đã được nhắc tới, nhưng chưa được thực hiện triệt để. Vẫn còn nhiều khâu trung gian trong cung ứng hàng hóa khiến khâu sản xuất thì vẫn bán rẻ, nhưng khâu phân phối đến người tiêu dùng thì giá cao. Đây cũng là kẽ hở để lợi dụng giá xăng, dầu tăng mà “đục nước béo cò”, tăng giá hàng hóa. Giải quyết vấn đề này, không ai khác ngoài sự vào cuộc của cơ quan quản lý.

So sánh với tốc độ tăng CPI một số nước trên thế giới với diễn biến trong nước, có thể khẳng định thời gian qua chúng ta đã tránh được “bão giá”. Tuy chịu tác động của giá xăng, dầu thế giới nhưng ảnh hưởng trong nước không cao như nhiều nước khác. Sự chủ động về lương thực, thực phẩm là lợi thế cùng với giải pháp giảm thuế giúp kìm đà tăng CPI, ít nhất đến thời điểm này. Vì vậy, không chủ quan và linh hoạt trong điều hành là yêu cầu đặt ra, khi sức ép biến động giá xăng, dầu, các mặt hàng thiết yếu cũng như chính sách tài khóa, tiền tệ tới điều hành giá trong nước là rất lớn. Chủ động nguồn cung, kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng ứng phó để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp sẽ góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.

Gia Khánh