Lạm phát ở Anh cao nhất trong 3 thập kỷ qua: Hỗ trợ người dân vượt qua ''bão giá''

Thế giới - Ngày đăng : 07:24, 07/05/2022

(HNM) - Không nằm ngoài ảnh hưởng của “bão giá” hoành hành ở nhiều khu vực trên thế giới, nước Anh cũng đang phải đối mặt với tốc độ lạm phát tăng chóng mặt, lên mức cao nhất trong vòng 3 thập kỷ qua. Tình trạng này khiến Chính phủ Anh gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết bài toán vừa hỗ trợ người dân vượt qua “bão giá”, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng tại Anh tăng mạnh trong “cơn bão” lạm phát, gia tăng áp lực cho người tiêu dùng.

Theo thống kê của Trang thông tin Trading Economics, tỷ lệ lạm phát trong tháng 3-2022 của Anh đã tăng lên 7%, mức cao nhất kể từ năm 1992 do giá năng lượng, nhiên liệu tăng cao và cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung nhiều mặt hàng bị gián đoạn.

Mặc dù Chính phủ Anh đã thông báo giảm thuế nhiên liệu 0,05 bảng Anh/lít trong 12 tháng, bắt đầu từ ngày 24-3, nhằm giảm bớt áp lực cho các hộ gia đình, nhưng lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể, chi phí vận tải ghi nhận mức tăng lớn nhất (13,4%), tiếp theo là đồ nội thất và dịch vụ gia đình (10,3%), quần áo và giày dép (9,8%), nhà ở và tiện ích (7,7%), thực phẩm và đồ uống không cồn (5,9%).

Chuyên gia Mike Watkins của Công ty Phân tích dữ liệu và đo lường toàn cầu NielsenIQ cảnh báo, lạm phát tại Anh sẽ tiếp tục tăng và các mặt hàng thực phẩm có thể sẽ “phi mã” tới 15% trong thời gian tới.

Giá cả tăng cao đang gây ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người dân, nhất là lao động nghèo. Số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho thấy, mức tăng lương trung bình thời gian qua không theo kịp tốc độ lạm phát. Cụ thể, từ tháng 11-2021 đến tháng 1-2022, mức lương đã tăng 3,8%. Tuy nhiên, so với tỷ lệ lạm phát hiện nay, mức lương thực tế đã bị giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do đó, Chính phủ Anh đã công bố một gói hỗ trợ trị giá 9,1 tỷ bảng Anh giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng, lạm phát tăng cao sẽ vẫn làm giảm thu nhập của các hộ gia đình mạnh hơn mức dự kiến. Theo đó, thu nhập thực tế của các hộ gia đình sẽ giảm 2,5% trong năm 2022 và không tăng trong năm 2023.

Mới đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận các hỗ trợ của Chính phủ Anh hiện là chưa đủ để người dân vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Khẳng định giới chức đang nỗ lực để đối phó với giá cả leo thang trong giai đoạn trung và dài hạn, nhưng ông B.Johnson cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ lạm phát gia tăng nếu chính phủ không thận trọng trong các cách tiếp cận để hỗ trợ người dân vượt qua “bão giá”.

Đầu năm nay, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới quyết định tăng lãi suất từ 0,1% lên 0,25% để đối phó với lạm phát. Tiếp đó, ngày 3-2, ngân hàng này đã có đợt tăng lãi suất thứ hai lên mức 0,5%. Ngày 17-3, mức lãi suất tiếp tục được nâng lên 0,75%. Theo thông tin của các nhà lãnh đạo Anh, BoE có thể sẽ sớm tăng lãi suất lần thứ 4 lên mức 1% trong tháng này. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất tiền gửi ngân hàng lại có nguy cơ thu hút mạnh dòng tiền từ thị trường, gây ảnh hưởng tới các kế hoạch kích thích tiêu dùng - một trong những nguyên nhân kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết, Anh đang đối mặt với một sự cân bằng rất khó khăn để điều hành nền kinh tế giữa ảnh hưởng của việc giảm mức sống và "cuộc chiến" kiềm chế lạm phát.

Nhiều tổ chức phân tích tài chính đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Anh năm 2022 từ 4,5% xuống còn 3,5%, đồng thời cảnh báo nguy cơ suy thoái vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ tăng đáng kể nếu xung đột Nga - Ukraine kéo dài và giá dầu tăng lên mức 150 USD/thùng. Vì thế, bài toán làm thế nào để giảm lạm phát mà vẫn giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục làm “đau đầu” các nhà lãnh đạo xứ sở Sương mù trong thời gian tới.

Quỳnh Dương