Nghệ sĩ ưu tú Việt Hoàn: Hát bằng tâm thế của thế hệ hôm nay
Giải trí - Ngày đăng : 20:07, 07/05/2022
1. Giữa tháng 4 vừa qua, tôi may mắn được theo đoàn nghệ sĩ Thủ đô lên huyện Than Uyên (Lai Châu) tham gia đêm nhạc “Theo em về Than Uyên” trong khuôn khổ Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022. Buổi diễn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, trong đó có NSƯT Việt Hoàn. Anh đã lấy được cảm tình của khán giả không chỉ bởi đã biểu diễn rất thành công 3 ca khúc quen thuộc “Bài ca xây dựng”, “Thư tình của núi”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” (song ca với NSƯT Hồng Liên), mà còn bởi sự giản dị, gần gũi.
Nhiều người nghĩ là một ca sĩ thì lúc nào cũng phải lộng lẫy, nhưng với dòng nhạc cách mạng mà Việt Hoàn theo đuổi thì ngoại hình không quá quan trọng. Điều cần nhất là vẻ đẹp nội tâm, sự chuyển tải ngôn ngữ âm nhạc, tình cảm, ý tưởng của nhạc sĩ đến khán giả như thế nào. “Tôi biết mình không có lợi thế về hình thức, nhưng tôi nghĩ mình không cần cố thay đổi điều đó. Điều cần thiết là trau dồi cho giọng hát truyền cảm hơn, sâu lắng hơn. Tôi luôn nhận thức rõ, người nghệ sĩ nên bình dị ở đâu và xuất hiện như một ngôi sao ở chỗ nào. Còn khi đã bước chân về nhà, tôi lại là con người của gia đình, là người chồng, người cha giản dị như bao người khác...” - anh khẳng định.
2. Sinh ra ở Thái Bình nhưng Việt Hoàn sớm được biết đến ở Hải Phòng khi khởi đầu sự nghiệp bằng việc tham gia Đội văn nghệ Công an thành phố Hải Phòng. Lớn lên trong một gia đình mà cả bố và mẹ đều là những nghệ sĩ cải lương, cuộc sống đầy gian nan, chật vật, anh định không theo nghệ thuật. Nhưng rồi số phận run rủi thế nào, anh vẫn bị âm nhạc cuốn hút rồi đắm say với nó một cách vô điều kiện.
Nhưng đường đến với thành công trong lĩnh vực âm nhạc không dễ dàng. Theo nghề thì phải có kiến thức sâu về nghề, nghĩ vậy, Việt Hoàn quyết định rời Hải Phòng lên Hà Nội theo học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Đó là cánh cửa mới mở ra với chàng ca sĩ quê lúa và cũng là bước ngoặt trong cuộc đời anh. Bởi tại mái trường này, anh được truyền thụ kiến thức quý báu về dòng nhạc cách mạng, từ đó anh cảm thấy yêu thích và mong muốn được gắn bó với dòng nhạc uyên bác nhưng cũng đầy tính nghệ thuật này. Anh đã tiếp tục rèn luyện, phát huy khả năng tại Nhà hát Nhạc nhẹ Việt Nam trong 5 năm (từ 2001 - 2006) và dừng lại ở “bến đỗ” Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến nay.
3. Nhiều người lầm tưởng Việt Hoàn cùng Trọng Tấn và Đăng Dương là thành viên trong một nhóm nhạc, nhưng sự thực thì họ chưa bao giờ nằm trong một nhóm nhạc và cũng chưa có ý định thành lập một “tam ca”. Cơ duyên gắn bó 3 người khởi nguồn từ Liên hoan Tiếng hát sinh viên 1998 tại Bắc Giang, khi NSND Quang Thọ đã ghép 3 ca sĩ này cùng trình bày bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Huy Du - “Đường chúng ta đi” với mục đích “làm một cái gì đó” gây ngạc nhiên cho khán giả. Quả nhiên, sự “sáp nhập” này đã mang đến “luồng gió mới” giúp "bộ ba" trở nên nổi tiếng cùng nhau. Mỗi người có một chất giọng riêng, một cá tính riêng và đều thích hát đơn ca trên sân khấu. Sự kết hợp của cả 3 vào một dịp nào đó là cơ hội để họ thể hiện khả năng hát bè, tôn lên chất giọng của nhau.
Việt Hoàn không bon chen, không xô bồ cả trong cuộc sống lẫn nghệ thuật. Nhớ lại những lần 3 anh em đứng chung trên sân khấu, anh bảo, hát tập thể thì phải biết nhường nhịn để phát huy hết sở trường của từng người. Khi “bộ ba nhạc đỏ” cùng kết hợp, anh luôn khiêm nhường ở vị trí bè trầm - cái bè không được vang lên dẫn dắt bài hát mà luồn sâu trong suối âm thanh, tạo nên sự ấm áp, sâu lắng. Ngay cả khi được hỏi về thứ bậc trong “tam ca”, anh luôn nhận mình là người đứng sau cùng: “Giọng của tôi không đẹp bằng Trọng Tấn, cũng không điêu luyện về kỹ thuật như Đăng Dương, nhưng về độ truyền cảm trong cách hát thì tôi được đánh giá là nổi bật hơn cả”. Tính anh khiêm nhường vậy thôi, chứ chính “người trong cuộc” - ca sĩ Trọng Tấn từng khẳng định: “3 người có 3 màu giọng, 3 phong cách khác nhau. Việt Hoàn có những mảng rất đặc biệt, tôi và Đăng Dương không theo kịp. Anh Hoàn đa phong cách. Anh có thể hát được nhạc đỏ, nhạc trữ tình và hoạt động rất mạnh ở những dạng sân khấu khác nhau. Không thể nhìn vào một sân khấu hay sự xuất hiện trên truyền hình để đánh giá được”.
4. Dòng nhạc cách mạng không được nhiều ca sĩ trẻ quan tâm theo đuổi, một phần vì đây là dòng nhạc khó, muốn theo đuổi cần thời gian, sự rèn luyện không ngừng, một phần là vì “đất diễn” không nhiều và cát xê không cao. Theo Việt Hoàn, để theo đuổi dòng nhạc này, ca sĩ trẻ cần kiên trì, không vội vàng chạy theo sự cám dỗ của đồng tiền. Khi thành công thì tiền bạc sẽ đến. Dòng nhạc chính thống đi vào trái tim khán giả bằng chính cảm xúc từ ca từ đẹp, khi hát về một giọt mồ hôi rơi thì phải cảm nhận được sự vất vả của người lao động là như thế nào...
Là người lớn lên trong hòa bình, Việt Hoàn luôn chắt chiu vốn sống để hiểu về thời điểm ra đời của những bài hát cách mạng mà anh thể hiện. Anh cố gắng đọc sách báo, tài liệu, xem phim ảnh để hiểu về quá khứ của dân tộc. “Cái mà thế hệ hôm nay có thể thổi vào các ca khúc cách mạng là phải hát bằng một niềm tự hào về quá khứ ấy. Sự trẻ trung, sức sống của mỗi ca khúc còn lại với thời gian được chúng tôi hòa âm, phối khí theo một phong cách mới để vẫn được khán giả chấp nhận, hưởng ứng. Chúng tôi hát bằng tâm thế của chính chúng tôi, thế hệ hôm nay, với một thông điệp rằng, cho dù được thừa hưởng những thành quả của văn minh, tiến bộ, được sống trong hòa bình, tự do nhưng chúng tôi không bao giờ lãng quên quá khứ” - nam ca sĩ nhấn mạnh.
Vào Facebook của anh, thỉnh thoảng lại thấy anh “khoe” nơi anh “vui thú điền viên” hiện tại. Anh khoe mình có 3 cô con gái ngoan ngoãn và người vợ trẻ hết mực thương yêu, quan tâm và hiểu chồng. Đó là chỗ dựa tinh thần, nơi khơi nguồn cảm xúc để anh giữ được sự thăng hoa trên con đường ca hát.
Nghệ sĩ ưu tú Việt Hoàn (tên đầy đủ là Trần Việt Hoàn) sinh năm 1966 tại Thái Bình. Anh hiện công tác tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2006. Anh đã ra mắt một số album như Vol. 1 “Tâm sự người ca sĩ” (mang đậm phong cách cổ điển, thính phòng), album Vol. 2 “Tâm sự Trường Sơn” (gồm 9 ca khúc tiền chiến và cách mạng theo phong cách cổ điển, thính phòng), album Vol. 3 “Khúc ca vẳng từ quê mẹ” (gồm 9 ca khúc mang âm hưởng dân ca về quê hương và người mẹ).