Đặt mục tiêu thương lượng, ký kết mới 1.700 bản thỏa ước lao động tập thể
Đời sống - Ngày đăng : 17:04, 07/05/2022
Tuy nhiên, ngày 7-5, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thông tin, sau 4 năm triển khai, toàn thành phố mới có trên 40% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thực hiện được mục tiêu trên. Số lượng thỏa ước lao động tập thể còn thấp so với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô; chất lượng một số thỏa ước vẫn còn thấp, tỷ lệ xếp loại C, D còn cao (57%); kỹ năng thương lượng của một số cán bộ Công đoàn còn hạn chế, chưa chủ động đưa ra nội dung để thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và đối thoại tại nơi làm việc.
Để đạt được chỉ tiêu Đại hội Công đoàn thành phố đã đề ra, trong năm 2022, Liên đoàn Lao động thành phố giao chỉ tiêu tới các cấp Công đoàn Thủ đô phải thương lượng, ký kết mới 1.700 bản thỏa ước lao động tập thể để xây dựng quan hệ lao động hài hòa - ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Cơ quan này cũng đã triển khai Đề án thí điểm “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp giai đoạn 2021-2022”; thành lập tổ tư vấn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể nhằm hỗ trợ Công đoàn cấp trên cơ sở hướng dẫn, tư vấn cho Công đoàn cơ sở về quy trình, kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu, việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cần được đặc biệt quan tâm, qua đó thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn. Những nội dung nổi bật của thỏa ước lao động tập thể phải bảo đảm có lợi hơn cho người lao động so với luật quy định đã được ký kết và thực hiện.
Các cuộc thương lượng tập thể thành công sẽ là căn cứ để sửa đổi, bổ sung và ký kết mới các bản thỏa ước lao động tập thể theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Lao động năm 2019; bảo đảm đời sống, phúc lợi tốt hơn cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và phát triển ổn định, bền vững cho doanh nghiệp.