Để có ''nông dân chuyên nghiệp''

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 10/05/2022

(HNM) - Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, một trong nhiều nhận định được đưa ra là: Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển…

Vấn đề về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong những nội dung lớn được Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) xem xét lần này. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiếm tỷ lệ không lớn trong cơ cấu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) nhưng để có một nền nông nghiệp mang tính cạnh tranh cao, nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Còn Việt Nam thì sao? Là một quốc gia nông nghiệp nhưng lao động trong ngành này thiếu khá nhiều kỹ năng về sản xuất, quản lý, quản trị cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm...

Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên! Có những vấn đề do thực tế khách quan như nguồn vốn đầu tư hạn chế, chưa có nhiều mô hình sản xuất đủ cơ sở vật chất kỹ thuật để sử dụng và thúc đẩy phát triển lực lượng lao động chất lượng cao… Về chủ quan, ngành Nông nghiệp và nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đến lĩnh vực này; trong khi đa số nông dân thụ động với việc tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới… Do vậy, cơ sở vật chất cho việc đào tạo nghề nghèo nàn, lạc hậu, không đa dạng; thiếu sự gắn kết giữa đào tạo nghề với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhiều “điểm yếu” nội tại không được khắc phục trong thời gian dài dẫn đến tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động nông nghiệp có tay nghề cao - “nông dân chuyên nghiệp”, nông dân “cổ cồn”, có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh trong thời đại kinh tế tri thức. Cũng vì lẽ đó, Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị “chất xám” cao, đủ sức cạnh tranh, tạo vị thế riêng có trên thị trường quốc tế. 

Từ những vấn đề nêu trên, có thể nhận định: Để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong vai trò chủ thể - là động lực thúc đẩy phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, Hà Nội và các địa phương cần tập trung nguồn lực cho một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là cần tăng cường công tác tuyên truyền để nông dân nhận thức đúng giá trị của việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; coi đây là “chìa khóa” mở “cánh cửa” làm giàu cho gia đình và xã hội. Mặt khác là triển khai, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các mô hình ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số... để nông dân có thể lựa chọn, vận dụng một cách phù hợp. Từ đó đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Đặc biệt, phải chú trọng mở rộng các hình thức đào tạo, tạo điều kiện phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người nông dân. Trong đó, cần chủ động tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như đổi mới chương trình, giáo trình để các cơ sở dạy nghề có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu nâng cao tri thức, cũng như tiếp cận các loại hình, mô hình phát triển nông nghiệp hiện đại, đặc biệt là các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tạo cơ chế gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp nông nghiệp, dạy nghề theo phương châm gắn lý thuyết với thực tiễn; khuyến khích các mô hình doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo nghề cho nông dân, qua đó tạo sự liên kết chặt chẽ giữa “đầu vào” và “đầu ra”, gắn lao động sau đào tạo với doanh nghiệp. Và, vấn đề cốt lõi là tạo cơ chế, chính sách đưa công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ số, tự động hóa, cơ khí chính xác… vào các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo động lực mới hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại với chủ thể là những “nông dân chuyên nghiệp”.

Thế Văn