Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm khi hè đến

Xã hội - Ngày đăng : 07:06, 11/05/2022

(HNM) - Các vụ ngộ độc thực phẩm thường gia tăng vào mùa hè, bởi nhiệt độ cao làm cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến thực phẩm nhanh bị hỏng, biến chất. Thêm vào đó, việc sản xuất, chế biến thực phẩm nếu không bảo đảm vệ sinh cũng là nguyên nhân dẫn tới các vụ ngộ độc. Chính vì vậy, ngay tại thời điểm này, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tăng cường các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn, vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình kiểm tra tại nhà hàng Marukame Udon. Ảnh: Thu Trang

Đẩy mạnh kiểm tra các mặt hàng có nguy cơ

Theo tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong tháng 4-2022, cả nước xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 157 người bị ngộ độc, trong đó 1 người tử vong. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 248 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong.

Riêng tại Hà Nội, dù thời điểm này chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra, nhưng ngay trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), bên cạnh việc triển khai theo kế hoạch và chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”, các quận, huyện, thị xã đã tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở, các mặt hàng có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Từ đây, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện các lỗi vi phạm hoặc các biểu hiện có nguy cơ để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh việc xử phạt các lỗi vi phạm, lực lượng chức năng cũng đề nghị chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, không để xảy ra sự cố.

Hiện trên địa bàn quận Long Biên có 5.154 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ngay trong tháng 4-2022, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của quận và của các phường đã kiểm tra 1.077 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 27 cơ sở với tổng số tiền hơn 54 triệu đồng. Các lỗi vi phạm được phát hiện chủ yếu là kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, vệ sinh dụng cụ ăn uống không đạt yêu cầu, không niêm yết giá. Trong quá trình kiểm tra thực tế, các đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở tiêu hủy những sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Để tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè năm nay, Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt cho biết, quận đã chỉ đạo quyết liệt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thích ứng với tình hình dịch Covid-19, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao hiểu biết về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người dân bằng nhiều hình thức. Cùng với đó, trung tâm y tế quận và các trạm y tế phường duy trì giám sát an toàn thực phẩm tại 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Đặc biệt, các ngành chức năng của quận phối hợp với UBND các phường tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được sử dụng nhiều trong mùa nắng nóng, như: Nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, cà phê, giải khát, trung tâm thương mại; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống…

Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền, ngay từ đầu năm, quận đã liên tục tổ chức ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó tập trung kiểm tra các bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... và các mặt hàng có nguy cơ cao gây ngộ độc. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng của quận tập trung kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, các công đoạn chế biến, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm, kiểm tra hệ thống lưới chắn côn trùng, động vật gây hại ở khu vực bếp, phòng ăn, như: Ruồi, muỗi, chuột…, vì đây cũng là những tác nhân gây ra ngộ độc thực phẩm trong dịp hè.

Tập trung vào 10 nhiệm vụ và 10 nguyên tắc “vàng”

Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm, theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm, quận tiếp tục tập trung vào 10 nhiệm vụ chính, trong đó có việc triển khai hệ thống cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm; tổ chức diễn tập điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc; cập nhật biến động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm tại 4 tuyến phố: Núi Trúc, Quán Thánh, Văn Cao và Phạm Huy Thông; thực hiện mỗi phường có ít nhất 1 cửa hàng kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch.

Riêng trong mùa hè năm 2022, bà Phạm Thị Diễm cho biết, cơ quan chức năng của quận Ba Đình sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chuyên đề nước uống đóng chai, thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc, bảo đảm phòng tránh các bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng. Cùng với đó, quận sẽ thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định và phân cấp. Cập nhật công khai các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm trên cổng thông tin điện tử của quận và hệ thống thông tin phường. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người quản lý, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng.

Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã đưa ra 10 nguyên tắc “vàng” để phòng, tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè đối với người tiêu dùng dựa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Đó là, chọn thực phẩm an toàn; nấu kỹ thức ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín; luôn giữ bàn tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, dụng cụ chế biến sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch.

Xuân Lộc