Cảnh báo “bà hỏa” mùa nắng nóng
Đời sống - Ngày đăng : 06:20, 11/05/2022
Hiểm nguy không trừ ai
Chỉ trong hai ngày 1 và 2-5, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra hai vụ cháy kho, xưởng gây thiệt hại lớn về tài sản. Cụ thể, 4h13 ngày 1-5, xảy ra vụ cháy khoảng 1.000m2 nhà xưởng sản xuất gỗ dán của Công ty TNHH Hải Nam (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm). Tiếp đó, vào 8h30 ngày 2-5, xảy ra cháy trong khu vực 300m2 là nhà ở kết hợp kinh doanh và sản xuất chăn, ga, gối, đệm của 4 hộ liền kề tại Đội 7, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín. Hai vụ cháy mặc dù không gây thiệt hại về người, nhưng lực lượng chức năng rất vất vả trong ngăn cháy lan sang các khu vực lân cận.
Trước đó trong tháng 4-2022, hai vụ cháy nhà trọ và nhà dân tại các quận Nam Từ Liêm, Đống Đa làm 6 người thiệt mạng cũng đã gióng lên hồi chuông báo động về sự mất an toàn phòng cháy, chữa cháy khi mùa nắng nóng sắp bước vào cao điểm.
Phân tích nguy cơ tiềm ẩn cháy, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thông tin, hỏa hoạn rình rập vào mùa nắng nóng bởi thiết bị điện sử dụng gia tăng. Vì thế, ngay cả những cơ sở đáp ứng đủ điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy vẫn ẩn chứa nguy cơ. Đặc biệt, những cơ sở đã bị cơ quan chức năng tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động phải thực hiện nghiêm để bảo đảm an toàn. Cần tránh tình trạng như tại Công ty TNHH Hải Nam (huyện Gia Lâm), dù cơ quan công an tham mưu cấp thẩm quyền ban hành quyết định xử lý tạm đình chỉ 2 lần nhưng đã không chấp hành, tiếp tục hoạt động dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Ngoài ra, có thực tế ở nhiều nơi là khi Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức tuyên truyền, tập huấn về phòng cháy, chữa cháy thì nhiều người trong độ tuổi lao động không tham gia với lý do… bận việc, cho thấy sự lơ là, chủ quan rất đáng lo ngại.
Phòng hỏa hơn cứu hỏa
Kinh nghiệm cho thấy, để tăng tính chủ động, bất cứ cơ sở sản xuất, gia đình nào cũng cần xác định rõ quan điểm “phòng hỏa hơn cứu hỏa” và sẵn sàng phương án thoát nạn trong tình huống khẩn cấp.
Về vấn đề này, Đại úy Nguyễn Văn Đại, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết, với đặc thù có nhiều nhà diện tích nhỏ hẹp ở khu phố cổ nên nguy cơ “bà hỏa” rình rập là thường xuyên. Vì thế, Công an quận đã tập trung triển khai mô hình “Hộ gia đình an toàn phòng cháy, chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” với 3 tiêu chí: 100% hộ dân được kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; 100% hộ gia đình tạo lối thoát nạn tại vị trí ban công, lô gia và cửa thoát nạn có lắp lồng sắt; 100% hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy và biết cách thao tác, sử dụng. Qua đó đã ngăn chặn được không ít vụ việc đáng tiếc.
Còn theo Đại tá Tô Mạnh Thắng, Phó Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm, tùy từng địa bàn, vị trí và đặc điểm dân cư, cơ sở kinh doanh, Công an quận sẽ triển khai phương án tuyên truyền, thực tập phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý kịp thời khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Trong đó, yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt. Sắp xếp vật tư, hàng hóa gọn gàng, tạo khoảng cách an toàn và ngăn cháy theo quy định. Xây dựng và thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra.
Trong khi đó, Thượng tá Phạm Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Gia Lâm thông tin, Công an huyện đã công bố công khai các cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy và đề xuất UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp cùng lực lượng công an giám sát. Trong trường hợp chủ cơ sở vi phạm chây ỳ, sẽ đề nghị rút giấy phép hoạt động.
Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, các hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng của thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ, như: Cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn. Người dân không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện; tránh luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Ngoài ra, tuyệt đối không dự trữ xăng dầu, khí đốt, các chất lỏng dễ cháy trong nhà...