Công đoàn đồng hành với doanh nghiệp bảo đảm chế độ cho người lao động

Đời sống - Ngày đăng : 17:22, 12/05/2022

(HNMO) - Chiều 12-5, Báo Lao động Thủ đô và Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội phối hợp tổ chức giao lưu trực tuyến "Công đoàn đồng hành với doanh nghiệp đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động" .

Khách mời tham gia giao lưu trực tuyến.

Buổi giao lưu nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2022, có sự tham gia giải đáp pháp luật của bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội); Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; luật sư Phạm Thanh Phương, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN.

Thông tin đáng lưu ý, thời gian qua, dù đã được các cấp, ngành, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp quan tâm, song do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và giá tiêu dùng tăng cao, đời sống của công nhân, lao động trực tiếp trong những ngành nghề đặc thù như ngành Xây dựng còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Có lúc, có nơi, các chế độ chính sách, quyền lợi dành cho người lao động như tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, bảo đảm an toàn lao động, bồi thường tai nạn lao động và nhất là chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn chưa được thực hiện đầy đủ khiến người lao động càng thêm thiệt thòi.

Trong chương trình, người lao động tham dự đặc biệt quan tâm đến việc phổ biến, tư vấn pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động. Qua đây, doanh nghiệp cũng nắm rõ hơn, từ đó triển khai kịp thời, đầy đủ hơn các chế độ, chính sách cho người lao động, góp phần động viên, giữ chân người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Giải đáp thắc mắc về rút bảo hiểm xã hội 1 lần, bà Dương Thị Minh Châu khuyến cáo, việc làm này giống như việc bán “lúa non”. Có thể hiểu, đây là việc thanh toán bảo hiểm với người đóng 20 năm và chưa đủ thời gian nghỉ hưu nhưng họ muốn thanh toán bảo hiểm một lần. Tuy nhiên, quyền lợi của những trường hợp này sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

"Tôi có lời khuyên đến người lao động rằng, khi chúng ta đủ điều kiện nghỉ hưu thì hoàn toàn có thể bỏ tiền đóng bảo hiểm 1 lần để đủ điều kiện hưởng đầy đủ các chế độ liên quan đến bảo hiểm khi về già", bà Dương Thị Minh Châu nói.

Với câu hỏi về chính sách hỗ trợ cho đoàn viên mắc Covid-19 cũng như người tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, luật sư Nguyễn Văn Hà cho hay, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát gây nhiều ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống việc làm của người lao động thì các cấp, ngành và tổ chức Công đoàn có nhiều chính sách hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó có chính sách hỗ trợ cho người lao động bị F0, F1.

Tuy nhiên, đến nay, dịch đã được khống chế, mức độ nghiêm trọng không lớn, chính sách đã thay đổi. Theo đó, từ ngày 1-3 vừa qua, công đoàn không còn chính sách sách hỗ trợ F0 nữa. Trong điều kiện này, nếu trường hợp đoàn viên là F0 mà vẫn đủ sức khỏe, có thể làm việc trực tuyến tại nhà, hưởng lương đầy đủ thì không được hỗ trợ. Còn nếu đoàn viên là F0 triệu chứng nặng, phải nằm viện điều trị thì sẽ được hưởng chế độ ốm đau như quy định của pháp luật, còn chế độ hỗ trợ khác thì căn cứ vào điều kiện thực tiễn của từng đơn vị để hỗ trợ với mức phù hợp.

Bách Sen