Tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chủ động trong hoạt động của Quốc hội

Chính trị - Ngày đăng : 11:16, 12/05/2022

(HNMO) - Sáng 12-5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười một, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Quy định cụ thể quy trình, thủ tục tại kỳ họp

Việc xây dựng nghị quyết nhằm bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chủ động trong hoạt động của Quốc hội, tăng cường tính tranh luận trong các phiên họp, cuộc họp, phát huy trí tuệ, tinh thần đổi mới sáng tạo của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Trên cơ sở đó, tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp, đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó, gần gũi với nhân dân.

Qua tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nội quy năm 2015, trên cơ sở thực tiễn thực hiện và quán triệt quan điểm, mục đích sửa đổi, bổ sung Nội quy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 25 vấn đề mới để sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015 (cụ thể bổ sung 6 điều, sửa đổi 43 điều và kế thừa nguyên văn 13 điều như quy định hiện hành). Trong 25 nội dung sửa đổi, bổ sung, có 16 nội dung đầu tiên là nội quy hóa những vấn đề thực tiễn đang thi hành, 9 nội dung còn lại là quy định mới.

Việc sửa đổi Nội quy nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định cụ thể những quy trình, thủ tục tại kỳ họp chưa được quy định tại các luật chuyên ngành, còn những quy trình, thủ tục về các vấn đề cụ thể đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì chỉ dẫn chiếu tại dự thảo nghị quyết.

Sửa đổi, bổ sung Nội quy sẽ cụ thể hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, về quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm chứng minh là đúng đắn và phù hợp trong việc tổ chức kỳ họp (cả thường lệ và bất thường) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp nói chung.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giữ quy định hiện hành về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể của Quốc hội là không quá 7 phút như hiện nay. Bên cạnh đó, có ý kiến Ủy ban đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 5 phút để giúp mỗi phiên họp có nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu hơn.

Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định trong quá trình điều hành thảo luận tại hội trường, chủ tọa có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội để bảo đảm chất lượng, hiệu quả thảo luận cũng như để có nhiều đại biểu hơn được tham gia thảo luận.

Tuy nhiên, đề nghị làm rõ và quy định cụ thể các trường hợp chủ tọa có quyền quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu (không quy định chung là “khi cần thiết” nhằm bảo đảm minh bạch, thống nhất trong quá trình thực hiện).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu thảo luận.

Sửa đổi những nội dung đã rõ, được thực tiễn chứng minh

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng nên giữ nguyên quy định thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội là 7 phút nhằm tạo điều kiện cho đại biểu chủ động trong việc chuẩn bị nội dung phát biểu, có đủ thời gian để phân tích, trình bày lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị về lâu dài cần luật hóa các quy định này thành luật về trình tự, thủ tục tiến hành kỳ họp Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cơ bản đồng tình với việc quy định tối đa 7 phút, trong quá trình điều hành các phiên thảo luận hội trường cần linh hoạt, bảo đảm các đại biểu Quốc hội được phát biểu tiếng nói chuyên sâu trong các lĩnh vực xây dựng luật, pháp lệnh.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội.

Nhấn mạnh phương châm chuyển từ Quốc hội tham luận sang thảo luận rồi sang tranh luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, chắc chắn, lập luận thuyết phục, tập trung vào các vấn đề mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, chủ động thích ứng, bảo mật, công khai, minh bạch; việc có hay không hiện tượng “hành chính hóa” và giải pháp khắc phục.

“Mục tiêu rút ngắn thời gian kỳ họp nhưng phải bảo đảm chất lượng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần có quy định bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp tiếp thu, giải trình về nội dung chủ trì xây dựng trong phiên thảo luận của Quốc hội tại các kỳ họp. “Từ đó trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành và chất lượng xây dựng pháp luật sẽ tăng lên rất nhiều”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận phiên thảo luận.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu chắc chắn nghị quyết, nếu đủ điều kiện mới trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ tư. Trên cơ sở nội quy kỳ họp Quốc hội khóa XIV, những vấn đề thực hiện tốt cần phát huy và chỉ sửa đổi những nội dung đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh.

* Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XV.

Tiến Thành