Bác sĩ tại nhà: Ai có nguy cơ mắc thuyên tắc phổi cấp?
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:35, 13/05/2022
Đáp: Thuyên tắc động mạch phổi cấp là bệnh khá thường gặp, là nguyên nhân đứng thứ 2 gây đột tử do tim. 80% bệnh nhân tử vong trong bệnh viện mà không xác định được nguyên nhân, chỉ khi giải phẫu thi thể mới xác định được là do thuyên tắc động mạch phổi.
Khả năng chẩn đoán và điều trị thuyên tắc động mạch phổi phụ thuộc vào trang thiết bị, kinh nghiệm của từng cơ sở y tế. Khi thuyên tắc động mạch phổi cấp mức độ nặng, nguy cơ tử vong có thể lên tới 60% với diễn biến thường rất nhanh trong 1 - 2 giờ đầu.
Có thể nói, căn bệnh nguy hiểm này không phải hiếm gặp nhưng lại ít người biết đến. Đối tượng chủ yếu là người già yếu nằm lâu bất động hay các bệnh nhân đột quỵ não, bệnh nhân phẫu thuật, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có thể liên quan đến vấn đề thai nghén, hoặc các bệnh nhân có sẵn bệnh lý huyết khối tĩnh mạch chi dưới.
Bệnh có biểu hiện mức độ khác nhau. Mức độ nặng thì có thể gây sốc, tụt huyết áp, suy hô hấp. Biểu hiện nhẹ thì xuất hiện khó thở mức độ vừa, không gây hiện tượng sốc. Thậm chí, có những bệnh nhân không có biểu hiện.
Ngoài ra, hút thuốc lá, béo phì, sử dụng thuốc tránh thai có thành phần estrogen cũng là yếu tố nguy cơ gây thuyên tắc động mạch phổi. Một số chất khác gây thuyên tắc động mạch phổi như mỡ tủy xương sau gãy xương, một phần của khối u, bong bóng khí.
Dù chưa đủ bằng chứng về mối liên quan giữa dịch Covid-19 và tình trạng gia tăng đông máu, huyết khối, nhưng thời gian gần đây đã ghi nhận tình trạng gia tăng số ca bệnh, ngay cả người trẻ tuổi cũng có thể bị.
Chính vì vậy, để phòng bệnh, người dân nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe để tránh hậu quả khó lường. Hoặc khi có biểu hiện, dù chỉ là nhẹ thì cũng nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
ThS.BS Lưu Quang Minh
(Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)