Đạo diễn Đinh Thái Thụy: "Nghệ thuật là tấm gương đa chiều phản ánh xã hội và đời sống con người"
Giải trí - Ngày đăng : 19:52, 14/05/2022
- “Bão ngầm” đã phát sóng được 2/3, nhìn lại đứa con tinh thần của mình, anh cảm nhận thế nào?
- “Bão ngầm” là hành trình của trinh sát ma túy xâm nhập vào một đường dây tội phạm buôn bán ma túy xuyên quốc gia, bóc gỡ từng mắt xích cho đến khi tìm ra chân tướng thật sự của ông trùm cuối cùng. Kịch bản ban đầu của anh Đào Trung Hiếu tập trung chủ yếu vào hành trình phá án, đấu đá nội bộ, giang hồ thanh toán nhau để bịt đầu mối. Để bộ phim “mềm” hơn, chúng tôi thống nhất viết thêm một số tuyến nhân vật, khai thác sâu hơn chuyện tình cảm, đời sống hậu phương của người chiến sĩ công an nhân dân...
Mỗi dự án phim đều có ít nhiều phát sinh bất khả kháng dẫn đến sự tiếc nuối sau khi đóng máy. Khó có thể nói mức độ hài lòng của mình, nhưng tôi thực sự cảm ơn ê kíp, các nghệ sĩ và nhà đầu tư đã quyết tâm hoàn thành bộ phim để “Bão ngầm” được đến với người xem như ngày hôm nay.
- Nói thật, khi xem, cảm nhận của tôi là phim có một số điểm chưa được thuyết phục, ví dụ như một số cảnh quay chưa hợp lý, diễn xuất, lồng tiếng chưa hấp dẫn...
- Mỗi nhà sản xuất có phương pháp sản xuất và phát hành, cách làm riêng. Ở góc độ đạo diễn, tôi luôn cầu thị để có tác phẩm chất lượng, mong muốn bộ phim được đến với khán giả càng sớm càng tốt. Nhưng có những việc bất khả kháng như dịch bệnh kéo dài làm "bể" lịch quay, gián đoạn liên tục; bối cảnh quay trải rộng, diễn viên thay đổi... Tuy nhiên, làm nghề thì không thể biện bạch cho những "hạt sạn" cơ bản như thế này, nó thuộc về trách nhiệm của đạo diễn với tổng thể bộ phim.
Từ những tập đầu lên sóng, bên cạnh sự khích lệ, động viên thì cũng có ý kiến trái chiều từ giới chuyên môn và khán giả. Chúng tôi lắng nghe và nghiêm túc ghi nhận. Với những hạn chế có thể xử lý, chúng tôi đã rà soát và điều chỉnh trong khả năng của mình. Tôi hy vọng khán giả và giới chuyên môn vẫn luôn ủng hộ bộ phim với thiện ý phê bình công tâm. Điều đó giúp tôi cùng anh chị em nghệ sĩ hoàn thiện mình trên con đường làm nghề.
- Là bộ phim đề cập đến cả “mảng tối” của lực lượng công an, trước khi lên sóng, “Bão ngầm” có phải chỉnh sửa, cắt bớt những chỗ được cho là “vùng cấm” không, thưa anh?
- Kịch bản của anh Hiếu viết khá chân thực và sinh động vì nó được thai nghén, tích lũy và phát triển từ chính những trải nghiệm thực tế của anh khi là công an. Chúng tôi cũng đã ngồi với nhau, thêm bớt khá nhiều, đặc biệt là những vấn đề mang tính nhạy cảm. Và đến khi thành phim, xem lại, chúng tôi vẫn cắt sửa tiếp theo góp ý của các nhà chuyên môn.
- Với đạo diễn được coi là trẻ như anh, khi tiếp cận đề tài này anh thấy khó - dễ ra sao để vừa thuyết phục được người trong cuộc, vừa làm hài lòng người xem?
- “Bão ngầm” khai thác đề tài cảnh sát chống tội phạm ma túy. Việc khai thác liều lượng về đời sống của thế giới này vào phim như thế nào với chúng tôi là một việc rất đau đầu. Làm hời hợt thì không thuyết phục được người xem, mà làm chân thực quá thì thành phản cảm, không phù hợp để phát sóng.
Làm phim giống như làm dâu trăm họ. Với những đề tài nhạy cảm, để thuyết phục được tất cả là điều vô cùng khó. Giới làm phim cũng có những khó khăn và quy phạm chung, cả trong mỗi đề tài khai thác. Thực trạng ấy khiến các nhà làm phim thường chọn phương án an toàn, khai thác những đề tài nhẹ nhàng, quay nhanh mà không bị gò bó, ít tốn kinh phí, an toàn trong việc thu hồi vốn và lợi nhuận. Có lẽ đây cũng là một phần lý do mà khán giả Việt biết nhiều về phim kinh dị Thái Lan, phim lịch sử Trung Quốc, phim xã hội đen Hàn Quốc, cảnh sát Hồng Kông và phim hành động Mỹ... Bởi những đề tài này ở Việt Nam không có nhiều nhà làm phim khai thác, hoặc có khai thác thì cũng khó làm thỏa mãn khán giả.
- Ngoài đời có những "cơn bão ngầm" thậm chí còn ghê gớm hơn trong phim. Theo anh, vai trò, trách nhiệm của nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng trong cuộc đấu tranh này như thế nào?
- Nghệ thuật là tấm gương đa chiều phản ánh xã hội và đời sống con người, bao gồm cả mặt trái, mặt phải, tôn vinh và phê phán... Tác động của nghệ thuật nói chung, tôi nghĩ, dù tức thời hay lâu dài cũng đều vì con người, hướng tới chân - thiện - mỹ.
Phim truyện thì thiên về yếu tố hấp dẫn và cảm xúc, luôn cần đến sự hư cấu trong cách kể chuyện. Tất nhiên, dù hư cấu nhưng không thể phủ nhận sự tác động, lan tỏa của phim truyện trên mọi lĩnh vực đời sống, mà nếu vận dụng tốt thì hiệu quả tuyên truyền, phê phán, giáo dục... từ phim truyện với người xem và xã hội sẽ đạt được trên cả mong đợi.
- Trân trọng cảm ơn anh!