Nhiều biện pháp giảm thiểu rủi ro an toàn lao động
Đời sống - Ngày đăng : 07:47, 14/05/2022
Những năm gần đây, tần suất tai nạn lao động ở nước ta giảm trung bình gần 5% mỗi năm, tuy nhiên, số vụ tai nạn lao động vẫn cao. Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, riêng năm 2021, cả nước ghi nhận hơn 6.500 vụ tai nạn lao động, làm hơn 6.600 người bị nạn. Đa số nạn nhân làm việc thời vụ hoặc làm công việc tự do, không có hợp đồng lao động.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động nghiêm trọng là do người sử dụng lao động (chiếm hơn 40% tổng số vụ việc) tổ chức lao động trong điều kiện chưa an toàn, chưa chú trọng huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện chưa đầy đủ cho người lao động; tiếp đến là do sự chủ quan, lơ là của chính người lao động... Việc để xảy ra tai nạn lao động ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều phía. Với nạn nhân, nỗi đau do tai nạn lao động ảnh hưởng lâu dài, dai dẳng tới cuộc sống của họ.
Chị Trần Thái Hà, công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội bày tỏ: “Bản thân tôi bị tai nạn lao động từ tháng 10-2021, chân không còn lành lặn, đi lại khó khăn. Sau tai nạn, sức khỏe và khả năng lao động của tôi suy giảm đáng kể”.
Về phía doanh nghiệp, các đơn vị vừa thiệt hại về tài sản, con người, vừa bị ảnh hưởng về uy tín, thương hiệu sản phẩm, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Còn xã hội mất đi một bộ phận người lao động, đồng thời tăng gánh nặng ngân sách để triển khai các chính sách an sinh xã hội. Dẫn chứng là, năm 2021, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động là hơn 3.954 tỷ đồng và 116.377 ngày công vì nạn nhân phải tạm nghỉ làm việc...
Ngoài ra, năm vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đối với 2.378 người; giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần đối với 4.737 người. Tổng số tiền giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần là 180 tỷ đồng, tổng số tiền giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đến thời điểm cuối năm 2021 là 697 tỷ đồng.
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp, nhằm hạn chế nguy cơ tai nạn lao động. Với vai trò quản lý nhà nước về an toàn lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Bộ cùng các bên liên quan đưa Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025 vào đời sống. Cùng với đó là tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát, tăng cường đối thoại, huấn luyện về an toàn lao động; làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các trường hợp gây tai nạn lao động nghiêm trọng... Ngoài ra, Bộ cũng tiếp tục nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị định trình Chính phủ cho phép những lao động không có quan hệ lao động có thể đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như các đối tượng ở khu vực chính thức, giúp họ được hưởng các chế độ như số lao động có quan hệ lao động.
Theo hướng này, mỗi năm, các đơn vị liên quan tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho hàng triệu lượt người. Từ thực tế triển khai, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Điện lực Hà Nội Phùng Lê Dũng đánh giá: “Việc phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện cho người lao động các kiến thức, kỹ năng về phòng, tránh tai nạn lao động là giải pháp hiệu quả góp phần bảo đảm an toàn lao động”.
Để kịp thời nắm bắt những vướng mắc trong thực tế, các cơ quan chức năng còn tổ chức đối thoại với người lao động và người sử dụng lao động về an toàn lao động. Đối với nạn nhân của các vụ việc tai nạn lao động, các bên cùng quan tâm, chăm lo bảo đảm công việc và cuộc sống của họ.
Đặc biệt, trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 (diễn ra từ ngày 1 đến hết 31-5), các ngành, địa phương đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu chung: “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”...