Những trang trại hồi sinh vùng đất trũng
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:44, 14/05/2022
Nhọc nhằn để “kết trái, đơm hoa”
Trong cái nắng cuối tháng tư, chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất nông trại đa canh với quy mô gần 129ha của anh Nguyễn Tiến Dũng ở xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh).
Trong một không gian yên bình với bạt ngàn hoa và rau, quả các loại, anh Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: "Khu đồng thôn Thượng, xã Đại Thịnh là vùng đất trũng, mưa lớn vài ngày là ngập úng, trồng lúa, rau màu đều không mang lại hiệu quả. Năm 2020, gia đình tôi nhận thuê khoán đất canh tác của người dân, huy động toàn bộ số tiền tích góp được và vay mượn thêm để xây dựng nông trại đa canh". Ngoài diện tích 4.000m2 trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao, anh Dũng đã làm vườn ươm hoa hồng, hoa sen và trồng thêm các loại rau, quả… Giờ đây, mỗi năm doanh thu của trang trại đã lên tới 18 tỷ đồng.
“Những ngày đầu mới nhận khoán thật sự là quãng thời gian nhọc nhằn, vất vả. Nhiều đêm thức trắng, đau đầu lo nguồn vốn, rồi tính toán đầu tư trồng cây gì phù hợp với vùng đất trũng này. Tính toán mãi rồi tôi quyết định trồng hoa lan theo hướng ứng dụng công nghệ cao và các loại rau, quả… Để tạo ra sự khác biệt cho vùng đất này, tôi trồng thêm hoa sen… Hiện tại trang trại đang nỗ lực để hoàn tất các đơn hàng”, anh Nguyễn Tiến Dũng kể.
Nối dài câu chuyện về hành trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất trũng thành trang trại đa canh cho hiệu quả kinh tế cao, Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh Bùi Quang Tuấn cho biết: Anh Nguyễn Tiến Dũng là người dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Dũng còn thường xuyên phổ biến kiến thức, cách thức ứng dụng công nghệ cao, kinh nghiệm trồng hoa cho các hộ nông dân trên địa bàn và tạo việc làm cho hơn 20 lao động có hoàn cảnh khó khăn với mức lương bình quân 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Rời vùng đất trũng Mê Linh, chúng tôi đến với vùng đất trũng ở phía Nam của Thủ đô nay đã là cánh đồng chuyên canh thủy sản xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa). Luôn chân, luôn tay với gần chục ao cá trên diện tích 2ha, nhưng ông Trần Văn Bá ở xã Trung Tú vẫn dành thời gian kể cho chúng tôi về câu chuyện làm giàu của gia đình.
Hơn 30 năm trước, gia đình ông Bá trồng lúa trên vùng đất trũng này, nhưng thu nhập bấp bênh nên đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo chủ trương của huyện, của xã. Song, nguồn vốn không đủ để đầu tư cơ sở hạ tầng, kiến thức nuôi trồng thủy sản hạn chế dẫn đến hiệu quả kinh tế đạt thấp. Không thụ động ngồi yên, ông Bá tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, cập nhật kiến thức nuôi trồng thủy sản qua sách báo, chương trình khuyến nông... Cứ như vậy, vừa làm, vừa học hỏi, ông Bá đã quy hoạch vùng đất canh tác thành nhiều ao. Giờ đây, mỗi ao của gia đình ông nuôi một loại cá như: Trắm, chép, trôi, mè, rô phi…
“Việc chăm sóc cá khá vất vả, ngày nào tôi cũng làm việc từ 6h sáng để vận chuyển thức ăn cho cá, rồi kiểm tra nước, cắm máy sục khí… Đất không phụ lòng người, công sức lao động nhiều năm của cả gia đình đã được đền đáp, mỗi năm các ao cho thu hoạch khoảng 40 tấn cá, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng...”, ông Bá chia sẻ.
Nhiều năm gắn bó với các mô hình mới trong nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương nhận định, sự chịu thương, chịu khó, tinh thần dám nghĩ, dám làm của chủ các trang trại là yếu tố hàng đầu mang đến thành công. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Tiến Dũng ở xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) hay của ông Trần Văn Bá ở xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét. Nông dân Hà Nội và các tỉnh lân cận có thể đến tham quan, học tập kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất.
Cơ hội và thách thức
Trên địa bàn thành phố đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm, bứt phá khỏi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng quy mô lớn, gắn với nhu cầu của thị trường… Những mô hình kinh tế trang trại đang “đơm hoa, kết trái” ở những vùng đất trũng ngoại thành Hà Nội mang lại nhiều hứa hẹn, tuy nhiên, để mở rộng và phát triển vẫn còn nhiều thách thức.
Anh Nguyễn Tiến Dũng nhìn nhận rằng, xác định làm nông nghiệp là phải chấp nhận rủi ro nên phải kiên trì. "Trước đây, tôi không nghĩ mình sẽ làm được một trang trại hiện đại và cho thu nhập cao như hiện nay, nhưng càng khó khăn tôi lại càng cố gắng và bước đầu cho thành công. Tới đây gia đình tôi sẽ tiếp tục tận dụng mọi cơ hội để mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hoa, rau quả của trang trại và đẩy mạnh hoạt động liên kết chuỗi, xúc tiến thương mại", anh Dũng cho biết.
Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cũng khẳng định rằng, huyện sẽ hỗ trợ các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nỗ lực vươn lên làm giàu trên vùng đất khó. Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức cho nông dân tham quan, học tập mô hình trang trại của anh Nguyễn Tiến Dũng và một số mô hình thành công trên vùng đất trũng. Qua đó tiếp tục nhân rộng những mô hình này, giúp người dân trên địa bàn thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội.
Thời điểm hiện tại, ông Trần Văn Bá và nhiều nông dân ở xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) mong muốn vùng nuôi trồng thủy sản của xã sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ; dần hình thành chuỗi liên kết các trang trại trên địa bàn để có thể ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thường xuyên với doanh nghiệp, cửa hàng tiện ích. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, có những cảnh báo về môi trường và thông báo rộng rãi đến người nông dân để có thể chủ động chọn thời điểm lấy nước, thả con giống phù hợp; đồng thời tăng cường công tác quản lý vật tư thủy sản nhằm hạn chế tình trạng sử dụng thuốc, hóa chất kém chất lượng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Kể lại mong muốn trên với Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch thì được biết, huyện đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân và các thành phần kinh tế đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chú trọng các cơ chế, chính sách thúc đẩy nhân rộng những mô hình nuôi trồng thủy sản ở vùng đất trũng.
Dù phía trước vẫn là khó khăn, thách thức nhưng nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố vẫn nỗ lực “bám đất, bám ruộng”, phấn đấu làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Mong rằng được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành, sẽ có thêm nhiều hơn nữa những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên vùng đất trũng, giúp nâng cao đời sống nông dân.