Du lịch Việt Nam - những dấu hiệu khởi sắc: Giải bài toán ''khát'' nhân lực
Du lịch - Ngày đăng : 05:40, 15/05/2022
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh:
Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi, phát triển du lịch
Nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch. Một số định hướng trong việc phát triển nguồn nhân lực sau đại dịch cần được quan tâm như: Tăng cường tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới; Chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề du lịch cho người lao động, đảm bảo sự chuyên môn hóa và thành thục trong các kỹ năng phục vụ của người lao động; Tăng cường ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong việc cung cấp các dịch vụ và phục vụ khách du lịch, đặc biệt ở các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch cần nhiều lao động; Có chính sách và chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho người lao động trong ngành đề họ yên tâm công tác, đặc biệt là lao động chất lượng cao, đảm nhiệm các công việc đặc thù trong ngành.
Để các định hướng trên có thể triển khai hiệu quả trong thực tế, bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch đã được Quốc hội thông qua, cũng như việc đưa Quỹ hỗ trợ Phát triển du lịch vào hoạt động chính thức thì các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch phù hợp với các định hướng và chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để du lịch Việt Nam có thể nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo du lịch:
Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch
Ngay khi du lịch Việt Nam mở cửa và có dấu hiệu phục hồi, cần triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, trong đó ưu tiên việc thu hút lao động trở lại làm việc và tuyển dụng lao động mới tại các cơ sở du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cần xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp, trong đó có các dữ liệu về lao động đã làm việc, nhu cầu sử dụng lao động cụ thể đối với các vị trí việc làm hiện tại và tương lai; Liên kết thông tin của doanh nghiệp với các phương tiện truyền thông, cơ quan quản lý địa phương, đặc biệt là liên kết với người lao động để họ có thông tin về doanh nghiệp và có cơ hội tìm việc làm mới hoặc quay trở lại làm việc.
Có thể thành lập đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Doanh nghiệp du lịch chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo du lịch như các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm đào tạo nghề du lịch để tuyển dụng lao động lâu dài hoặc tạm thời phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, tập trung vào các nội dung: Trao đổi chuyên gia, giáo viên, giảng viên; trao đổi học sinh trong quá trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo thực hành, thực tập nghề nghiệp; trao đổi thông tin, kết quả nghiên cứu, hội nghị, hội thảo chung; hướng tới đào tạo sinh viên quốc tế đối với các trường đào tạo du lịch của Việt Nam có đủ năng lực và uy tín để đào tạo cho sinh viên quốc tế đến từ các nước trong khu vực hoặc liên kết mở các chuyên ngành đào tạo mà Việt Nam có thế mạnh; liên kết đào tạo và tham gia mạng lưới đào tạo du lịch với các nước trong khu vực...
Ông Nguyễn Hồng Hải, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Dân chủ Hà Nội (Khách sạn De l'Opera Hà Nội):
Cạnh tranh về nhân sự sau Covid-19 diễn ra vô cùng khốc liệt
Trước đại dịch, Khách sạn De l'Opera Hà Nội có 168 lao động. Khi dịch Covid-19 xảy ra, chúng tôi đã cố gắng duy trì các chính sách để giữ chân lao động như: Bảo đảm mức lương tối thiểu, đóng bảo hiểm, trợ cấp cho nhân viên, điều chỉnh ngày công theo tình hình kinh doanh; nhưng do thu nhập giảm sút, nay khách sạn chỉ còn 103 lao động. Ngoài các vị trí bị bỏ trống, lượng khách ít nên kỹ năng nghề của người lao động cũng giảm. Sự cạnh tranh về nhân sự sau Covid-19 diễn ra vô cùng khốc liệt. Nhiều lao động đã nghỉ, chúng tôi gọi quay lại làm việc nhưng họ khá dè dặt vì chưa được làm đủ 100% thời gian, mức thu nhập không như mong muốn. Một số đòi hỏi nếu quay lại phải điều chỉnh mức lương. Có lao động đã được tuyển dụng nhưng đến phút cuối lại do dự bởi được nơi khác mời làm việc với chế độ đãi ngộ cao hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình:
Chúng ta đang thiếu nghiêm trọng lực lượng nhân sự có trình độ cao
Nhân lực là điểm yếu của du lịch Việt Nam. Trước dịch Covid-19, chúng ta đã trăn trở rất nhiều về vấn đề này. Ngay khi ngành Du lịch phát triển nhất (năm 2019) cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề như: Sự phát triển ào ạt, không có định hướng, không có hệ thống quản lý chặt chẽ, các tiêu chuẩn nghề nghiệp không được tuân thủ... Tất cả đã làm méo mó hình ảnh du lịch Việt Nam. Covid-19 xuất hiện khiến tình trạng thiếu nguồn nhân lực càng trầm trọng hơn. Vì thế, công tác đào tạo nhân lực du lịch càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta đang thiếu nghiêm trọng lực lượng nhân sự có trình độ cao, được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Rất ít nhân sự cấp cao đang làm việc trong ngành Du lịch được đào tạo bài bản tại các trường đại học về du lịch. Đa phần họ đều tự tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành trong quá trình làm việc.
Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Anh Tuấn:
Nâng cao năng lực của hệ thống cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch
Ngành Du lịch có lực lượng nguồn nhân lực trẻ, dưới 30 tuổi chiếm 40%, từ 31 - 40 tuổi chiếm 36%, từ 41 - 50 tuổi chiếm 21% và trên 50 tuổi chiếm 3%. Lực lượng nhân lực kế cận và lực lượng nhân lực đang làm việc của ngành Du lịch ở độ “vàng”, đủ để đảm bảo gánh vác nhiệm vụ phát triển ngành.
Để phục hồi chất lượng nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch, cần chú trọng đến nhóm giải pháp sau: Có cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc; Xây dựng, triển khai Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nhân lực du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19; Tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch; Cần chú trọng đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi.
Cùng với đó, cần nâng cao năng lực của hệ thống cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch nhằm bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành. Tập trung đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch thích ứng với bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số; đảm bảo năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thích ứng với các điều kiện biến đổi.