Chống “nói hay, cày dở”!
Xây & Chống - Ngày đăng : 06:32, 16/05/2022
Thực tế cho thấy, việc nói và làm không thống nhất - hay như dân gian vẫn gọi là “nói một đằng, làm một nẻo”, “nói hay, cày dở” - đã và đang xuất hiện ở một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Tình trạng cán bộ, đảng viên “nói một đằng, làm một nẻo”; thậm chí, nói và làm trái ngược nhau xảy ra ở nhiều lĩnh vực, càng ở lĩnh vực có nhiều lợi ích thì tình trạng này càng tinh vi.
Đây là điều hết sức nguy hại vì nó là một trong những nguyên nhân khiến niềm tin của nhân dân vào cán bộ, đảng viên - và cao hơn là vào sự lãnh đạo của Đảng - bị mai một, giảm sút.
Có thể thấy, hiện tượng “nói một đằng, làm một nẻo” xảy ra trong nhiều lĩnh vực quản lý và điều hành xã hội. Hành vi thường thấy là không ít “công bộc” luôn vin vào các loại thủ tục hành chính phức tạp để làm khó dân, mưu lợi riêng. Để “được việc”, người dân buộc phải bỏ “phí bôi trơn”. Gần đây nhất, ngày 13-4, Công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã khởi tố Nguyễn Văn Hà (công chức địa chính xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, cũng có 2 công chức ở địa phương này đã bị khởi tố với tội danh trên. Thủ đoạn của các đối tượng là dùng nhiều chiêu trò “hành dân” để vòi tiền từ 10 đến 78 triệu đồng cho mỗi bộ hồ sơ xin cấp “sổ đỏ”.
Ở Hà Nội, tình trạng “nói một đằng, làm một nẻo” cũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, trong quản lý đất đai, trật tự đô thị và xây dựng, một số lãnh đạo quận, phường hứa xử lý nghiêm việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhưng sau khi “ra quân” thì kết quả là “nguyễn y vân” - vẫn y nguyên, thậm chí có nơi còn tồi tệ hơn. Hiện tượng “nói hay, cày dở” còn biểu hiện qua việc thay đổi quy hoạch liên tục theo hướng có lợi cho một cá nhân hoặc nhóm đối tượng nào đó. Chẳng hạn, có cơ quan, địa phương “vẽ” ra dự án xây dựng công trình công cộng rồi đền bù, giải phóng mặt bằng với giá rẻ, nhưng một thời gian sau lại điều chỉnh quy hoạch, cắt giảm diện tích công cộng để xây căn hộ, chung cư...
Trong sinh hoạt Đảng, tình trạng “nói hay, cày dở” cũng xuất hiện khá nhiều. Đó là hiện tượng nghị quyết thì “kêu như chuông”, đề ra nhiều chỉ tiêu và biện pháp bằng những động từ, tính từ đầy tính hành động, nhưng kết quả thực hiện thì ngược lại. Cũng trong sinh hoạt Đảng, một số người còn tự cho mình cái quyền “làm như tôi nói”… Cá biệt, có trường hợp “đương chức im tiếng, hoàng hôn nói nhiều” và phát ngôn, hành động thiếu chuẩn mực. Có cán bộ nói rất hay, rất “thuộc bài”, nhưng đến đâu cũng một “bài” như thế… Những biểu hiện nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã và đang có những tác động nguy hiểm, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh được kính trọng bởi lý tưởng cao đẹp, nói luôn đi đôi với làm. Ở Bác, lời nói, hành động luôn thống nhất bởi Người thấu hiểu tác dụng của sự nêu gương. Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải “nói đi đôi với làm”; trong đó, coi trọng việc làm hơn lời nói, bởi “một tấm gương sáng còn hơn trăm bài diễn thuyết”.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã nhiều lần chỉ ra sự nguy hại của hiện tượng cán bộ, đảng viên nói một đằng, làm một nẻo. Năm 2016, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ rõ một số hiện tượng có thể dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đó là: “Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”.
Vào ngày 2-10-2018, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp mang biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Để hạn chế hiện tượng cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm hoặc “nói hay, cày dở”, cần có nhiều biện pháp, cả tầm vĩ mô và vi mô.
Từ thực tiễn nhận thấy, để giải quyết hiện tượng này thì vấn đề mấu chốt là phải kiểm soát được cán bộ trong thực thi công việc và sử dụng quyền lực. Cần mở rộng dân chủ, tạo điều kiện để người dân kiểm tra, giám sát hoạt động lãnh đạo, thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên. Trước tiên, cần tổ chức các buổi tiếp công dân, nghe nhân dân nói và giải quyết triệt để những vấn đề nhân dân bức xúc, qua đó loại dần những cán bộ “họ hứa” hoặc cán bộ có ý định “làm tiền từ chức vụ” trong công tác.
Các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng cần tập trung đổi mới công tác nhận xét, đánh giá cán bộ theo hướng trọng hiệu quả công việc; lấy uy tín của cán bộ, đảng viên với nhân dân làm thước đo để từ đó đưa vào quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm chứ không chỉ lấy phiếu tín nhiệm trong nội bộ đội ngũ cán bộ như hiện nay.
“Nói hay, cày dở” là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xa dân, làm cho nhân dân mất niềm tin. Đây là điều hết sức nguy hại, là căn nguyên xô đổ mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta đã xác định. Thế nên, chống “nói hay, cày dở” phải được làm ngay, làm quyết liệt và triệt để!