Vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông: Chặn đà gia tăng
Giao thông - Ngày đăng : 06:23, 17/05/2022
Lơ là quy định
Từ khi các hàng quán được bán tại chỗ, các cuộc giao lưu, gặp gỡ của các nhóm bạn bè, đồng nghiệp… có xu hướng tăng trở lại. Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các hàng quán trên địa bàn từ các quận nội thành đến huyện ngoại thành, dễ dàng bắt gặp những bàn ăn nhậu có kèm rượu, bia. Lơ là quy định về nồng độ cồn, sau khi ăn nhậu, thay vì thuê xe chở về nhà để bảo đảm an toàn thì hầu hết "dân nhậu" đều tự điều khiển phương tiện giao thông, dẫn tới số vi phạm gia tăng nhanh chóng.
Là một người bị phát hiện lỗi vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,3 miligram/lít khí thở vào chiều 14-5 tại ngã tư Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), anh H.T.T (sinh năm 1987 ở xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) trình bày lý do nhà gần, xong công việc sớm nên tranh thủ cùng bạn bè uống bia, xem bóng đá. Sau khi được tổ công tác giải thích rõ rằng, nếu muốn giải khát bằng bia thì nên đi xe taxi hoặc thuê xe ôm chở về, anh T. đã ký vào biên bản cam kết không tái phạm.
Tương tự, trường hợp ông P.H.L (sinh năm 1966 ở phường Định Công, quận Hoàng Mai) vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,25 miligram/lít khí thở do uống rượu tại bữa giỗ ở nhà cháu ruột cũng bị xử lý tạm giữ phương tiện… Tổ công tác sau khi tuyên truyền, giải thích, các trường hợp vi phạm đều chủ động thuê phương tiện hoặc gọi người nhà đến chở về.
Ở khu vực ngoại thành, các tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 9 tổ chức cắm chốt trải dài từ khu vực cầu Trung Hà (huyện Ba Vì) giáp với tỉnh Phú Thọ bám dọc tuyến quốc lộ 32 đến đầu địa phận huyện Hoài Đức (giáp với quận Bắc Từ Liêm).
Thiếu tá Vũ Quang Tú, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 9 cho biết, nhiều người dân các huyện như: Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức; thị xã Sơn Tây… còn nặng tâm lý thích la cà quán xá uống rượu bia rồi sau đó vẫn điều khiển phương tiện giao thông. “Trong quá trình xử lý, chúng tôi luôn kiên quyết dù không ít trường hợp gọi anh em, họ hàng ra gây sức ép với tổ công tác”, Thiếu tá Vũ Quang Tú nói.
Tăng cường tuyên truyền, kiên quyết xử lý
Theo Phòng Cảnh sát giao thông, chỉ riêng trong tháng 4 vừa qua, lực lượng chức năng đã xử lý 412 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có những trường hợp vượt mức kịch khung (0,4 miligram/lít khí thở) nhiều lần. Người vi phạm cũng thường xuyên đưa ra những lý do khác nhau để giải thích cho hành vi vi phạm của mình. Tại các khu vực cắm chốt quanh Bến xe Giáp Bát, Bến xe Nước Ngầm và khu chung cư Linh Đàm có mật độ dân cư cao, Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông đã ghi nhận nhiều trường hợp người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định.
Thiếu tá Phạm Minh Quân, Tổ trưởng Tổ xử lý nồng độ cồn Đội Cảnh sát giao thông số 14 thông tin, tại khu vực quản lý của Đội có nhiều nhà hàng, quán ăn lại là nơi tập trung đông dân cư và nhiều đầu mối giao thông nên việc bên cạnh việc cắm chốt xử lý, các thành viên của đội cũng thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho người dân lưu thông trên đường và ngăn ngừa tình trạng nhiều “ma men” quay đầu bỏ chạy khi thấy tổ công tác.
Trong khi đó, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền và Xử lý tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, hiện tại đang là cao điểm xử lý các lỗi vi phạm giao thông, trong đó tập trung vào các đối tượng uống rượu bia khi điều khiển ô tô, xe máy. Các mức xử phạt với lỗi vi phạm nồng độ cồn khá nặng, có thể lên đến vài chục triệu đồng, thậm chí bị tịch thu phương tiện. Thời gian tới, đội sẽ tiếp tục tuyên truyền để người tham gia giao thông chú ý, không vi phạm.
Theo Thiếu tá Đào Việt Long, Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, lực lượng Công an ngoài tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm kiềm chế và hướng tới giảm tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, bảo vệ bản thân, cộng đồng bằng việc kiên quyết từ chối những lời mời sử dụng rượu bia nếu phải lái xe, thể hiện trách nhiệm đối với chính mình, gia đình và xã hội.