Đề xuất tách giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 13:49, 17/05/2022
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc đổi mới, cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ về thực hiện cổ phần hóa và đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều nút thắt về cơ chế, chính sách đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay như: Tiến độ chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra; việc xác định giá trị của doanh nghiệp chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí. Về xác định giá trị quyền sử dụng đất, Bộ trưởng cho biết, có nhiều quan điểm, trước đây, tiền thuê đất hằng năm không tính vào giá trị doanh nghiệp, còn tiền thuê đất một lần tính vào giá trị doanh nghiệp. Khi tiền thuê đất một lần được xác định không sát giá trị thị trường thì đây chính là lỗ hổng gây thất thoát, chưa nói đến việc sau khi nộp tiền thuê đất một lần, doanh nghiệp đã cổ phần hóa sẽ chuyển mục đích sử dụng đất, khi đó, việc xác giá trị đất không chính xác càng gây thất thoát lớn, thậm chí, hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp.
Việc sắp xếp nhà đất cũng còn quy định chưa được cụ thể, như xác định lợi thế thương mại, xác định quyền sử dụng đất trong liên doanh, liên kết… Vậy xây dựng phương án sắp xếp quản lý nhà đất của các doanh nghiệp nên thực hiện thế nào? Thời gian tới, Chính phủ sẽ lựa chọn 5 thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất trên địa bàn và sẽ chọn một số doanh nghiệp có điều kiện để thí điểm về niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán của khu vực và thế giới.
Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, giai đoạn 2016-2020, chỉ 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch). Năm 2021, ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp thời gian qua không đạt được kế hoạch đề ra, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Còn Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính Hà Nội) Nguyễn Xuân Sáng chia sẻ, kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2016-2020 chưa đáp ứng tiến độ, kế hoạch đã đề ra, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều chính sách, chế độ về cổ phần hóa, thoái vốn được thay đổi, ban hành mới dẫn đến việc các doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, hoàn thành hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp hoặc đã được phê duyệt giá khởi điểm chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư phải thực hiện rà soát, xây dựng lại phương án theo quy định mới. Còn nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách, nhất là trong định giá doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất. Ngoài ra, công tác chuẩn bị của doanh nghiệp chưa tốt…
Ông Nguyễn Xuân Sáng đề xuất cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện phương pháp và hướng dẫn cụ thể hơn trong xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp Nhà nước quản lý sử dụng nhiều cơ sở nhà đất, tình hình tài chính phức tạp, phương án cơ cấu lại không thành công. Bên cạnh đó, việc đưa giá trị đất ra khỏi phương án tính giá trị cổ phần hóa không chỉ bảo đảm sự công bằng, tính đúng, tính đủ tiền thuê đất của doanh nghiệp, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước và thất thoát tài sản công, mà còn giúp đơn giản hóa và đẩy nhanh hơn quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Chung quan điểm, các ông: Nguyễn Hồng Long - Phó Chủ nhiệm Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đề xuất, cả đất đai thuê hằng năm hay một lần đều nên được tách ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Để thực hiện như vậy, cần có văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện đồng bộ.