Điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố là như nhau
Đời sống - Ngày đăng : 16:16, 18/05/2022
Truyền đạt tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Nguyễn Thị Quế cho biết, Luật Cư trú năm 2020 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển những quy định của Luật Cư trú năm 2006, phù hợp với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý cư trú.
Điểm nổi bật là quản lý công dân bằng thông tin trên cơ sở dữ liệu về dân cư nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đến năm 2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ hết hiệu lực và những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn được đề cập đến trong Luật Cư trú.
Hướng đi này đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú mà trọng tâm là xây dựng quản lý cư trú qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bảo đảm tốt hơn nữa về quyền tự do cư trú của công dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong hình hình mới.
Một điểm đáng chú ý khác, Luật Cư trú đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Nói cách khác là không còn quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Việc đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.
Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn các thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.
Kể từ ngày Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31-12-2022.