Hướng tới một xã hội “không khói thuốc”
Xã hội - Ngày đăng : 05:12, 19/05/2022
Còn nhiều rào cản
Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông nhằm giúp người dân nhận thức rõ về tác hại của thuốc lá, qua đó từng bước thay đổi hành vi, tiến tới cai thuốc hoàn toàn để cải thiện sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, ở nhiều điểm công cộng như bến xe, nhà ga, công viên, tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra phổ biến. Các công sở, văn phòng, các trường cao đẳng, đại học chỉ cấm hút thuốc lá trong phòng làm việc hoặc lớp học, nhưng vẫn cho phép hút thuốc lá trong khuôn viên, ban công, hành lang, cầu thang, căng tin... nên vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc lá tại các khu vực có không ít người qua lại. Chưa kể, việc thực hiện mục tiêu môi trường không khói thuốc ở nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú du lịch còn nhiều hạn chế; tình trạng bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi vẫn diễn ra...
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho hay, công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi do còn tồn tại nhiều hạn chế như lực lượng thanh tra thiếu, thanh tra các cấp chưa thực sự quan tâm đến việc thanh, kiểm tra công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ngoài ra, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn như: Sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng - sử dụng nhiệt để làm nóng mà không đốt cháy như thuốc lá điếu thông thường, Shisha...); ý thức tuân thủ quy định về địa điểm cấm hút thuốc của nhiều người chưa cao...
Theo bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tại các nơi công cộng như bệnh viện chúng ta mới tập trung vào việc tuyên truyền, vận động bệnh nhân, thân nhân người bệnh không hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện, chứ chưa đủ nhân lực để tổ chức kiểm tra, giám sát và xử phạt các vi phạm. Ngoài ra, hiện các nhân viên y tế của bệnh viện khi tham gia công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đều phải kiêm nhiệm nên hiệu quả phần việc này bị hạn chế. Đồng thời, do chưa có các nghị định và thông tư quy định, hướng dẫn việc xử phạt các hành vi vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá nên việc thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá gặp nhiều khó khăn.
Ở một phương diện khác, phân tích về việc tỷ lệ hút thuốc lá chưa giảm nhiều, theo ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên, hiện nay, một số doanh nghiệp, tổ chức đã cố tình “lập lờ”, tạo chiến lược truyền thông giả nhằm phủ nhận tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người. Bên cạnh đó, theo ông An, hiện thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn thấp, hành vi hút thuốc ở nơi công cộng hiện vẫn được nhiều người chấp nhận, các vi phạm về quảng cáo thuốc lá và hút thuốc ở nơi công cộng còn phổ biến...
Còn theo phân tích của ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, Việt Nam đã thông qua Công ước về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới từ năm 2004 và có trách nhiệm xây dựng và thực thi quy định nhằm bảo vệ các chính sách kiểm soát thuốc lá khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá, phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (2008). Cụ thể, hướng dẫn đó yêu cầu các nước thành viên phải có các biện pháp, trong đó có yêu cầu không nhận tài trợ hay hỗ trợ của các doanh nghiệp thuốc lá. Công ước cũng quy định các doanh nghiệp thuốc lá phải công khai báo cáo hoạt động thực tế; các doanh nghiệp thuốc lá và đại lý thuốc lá nên bị cấm tham gia các hoạt động trách nhiệm xã hội; không khuyến khích hỗ trợ tài chính, giảm thuế hoặc trợ cấp cho ngành công nghiệp thuốc lá; ngành công nghiệp thuốc lá phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Nhân rộng những mô hình hay
Trước hệ lụy về sức khỏe do thuốc lá gây ra cũng như các rào cản đang tồn tại khiến việc hạn chế sử dụng thuốc lá chưa đạt hiệu quả, nhiều cách làm hay đã được triển khai.
Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, do nhận thức rõ sự nguy hiểm của khói thuốc lá đến sức khỏe cộng đồng và môi trường sống nên kể từ năm 2013, khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, UBND quận đã triển khai xây dựng mô hình “Công sở không khói thuốc”, “Trường học không khói thuốc”, “Cơ sở y tế không khói thuốc”..., vận động nhân dân không mời thuốc lá, sử dụng thuốc lá trong các sự kiện hiếu, hỉ. Năm 2017, UBND quận Hoàn Kiếm còn triển khai mô hình “Nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn thực phẩm và không khói thuốc” tới 291 nhà hàng lớn và khách sạn từ 3 sao trở lên. Năm 2019, quận đã nhân rộng và triển khai thêm mô hình “Địa điểm du lịch không khói thuốc” tại 30 điểm du lịch - văn hóa nổi tiếng... Ông Hoàn cho biết, bên cạnh tuyên truyền về Luật, UBND quận Hoàn Kiếm còn chỉ đạo các lực lượng như Công an, Quản lý thị trường, Phòng Y tế kiểm tra, xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá...
Bên cạnh mô hình hay tại các phường, bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu y tế quốc gia và thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Dự án “Tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua thí điểm mô hình huy động sự tham gia của cộng đồng ở cấp quận” cũng đã góp phần tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng cách tạo điều kiện cho người dân báo cáo nhanh chóng, kịp thời các hành vi vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trực tiếp đến cơ quan chức năng. Năm 2021, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá xây dựng phần mềm tiếp nhận phản ánh từ người dân về vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và thí điểm tại quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ.
Thông qua phần mềm này, người dân sử dụng điện thoại thông minh có thể tham gia vào quá trình thực thi và giám sát các hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Với những kinh nghiệm triển khai tại 2 quận, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ nhân rộng, triển khai mô hình huy động sự tham gia của cộng đồng trong thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên toàn quốc. “Chúng tôi mong muốn nhận được sự tham gia tích cực của các đơn vị, các cá nhân trực tiếp tham gia vào dự án. Đồng thời, chúng tôi cũng mong nhận được sự ủng hộ và sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong việc tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các quy định về môi trường không khói thuốc để tiến tới một xã hội “không khói thuốc” trong tương lai” - bà Hải nhấn mạnh.