Kết quả bầu cử Quốc hội Lebanon: Nguy cơ kế hoạch cải cách "gặp khó"

Thế giới - Ngày đăng : 07:06, 19/05/2022

(HNM) - Trái với nhiều dự đoán được đưa ra trước cuộc bầu cử Quốc hội Lebanon được tổ chức ngày 15-5, phong trào Hồi giáo dòng Shi’ite Hezbollah đã không giành được đa số phiếu ủng hộ, mất đi cơ hội tự đứng ra thành lập chính phủ. Việc phải chia sẻ quyền lực với các đảng phái khác có thể khiến kế hoạch cải cách do Hezbollah đề ra khó đạt sự đồng thuận, gây ảnh hưởng tới nỗ lực phục hồi đất nước sau khủng hoảng.

Phong trào Hezbollah do nhà lãnh đạo Sayyed Hassan Nasrallah đứng đầu đã mất đa số ghế tại Quốc hội Lebanon.

Kết quả bầu cử Quốc hội Lebanon chính thức công bố ngày 17-5 cho thấy, phong trào Hezbollah do nhà lãnh đạo Sayyed Hassan Nasrallah đứng đầu chỉ giành 61 ghế, thấp hơn so với mức tối thiểu là 65/128 ghế để trở thành phe đa số. Đứng thứ 2 là đảng Các lực lượng Lebanon do chính trị gia Samir Geagea dẫn đầu với 19 ghế. Đây là đảng đối lập có nhiều ý kiến bất đồng với cách điều hành của phong trào Hezbollah trong thời gian vừa qua. Số ghế còn lại thuộc về các đảng nhỏ khác cùng một số nghị sĩ độc lập.

Việc phong trào Hezbollah bị mất đa số ghế thể hiện tình trạng giảm sút lòng tin của các cử tri đối với các chính sách do chính phủ xây dựng thời gian qua nhằm ứng phó với sự sụp đổ tài chính tại Lebanon cũng như việc thiếu trách nhiệm giải trình về vụ nổ cảng Beirut kinh hoàng năm 2020 cướp đi sinh mạng của hơn 200 người. Kể từ cuối năm 2019, đồng bảng nội tệ đã mất hơn 90% giá trị, đẩy phần lớn người dân nước này rơi vào cảnh nghèo đói. Tác động kép của kinh tế yếu kém cùng đại dịch Covid-19 cũng khiến nền giáo dục của Lebanon lâm vào khủng hoảng. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tỷ lệ ghi danh vào các cơ sở giáo dục giảm từ 60% năm 2021 xuống 43% trong năm học hiện tại. Cách đây hơn một tháng, nước này đã buộc phải thông báo về tình trạng phá sản. Ước tính tổng thiệt hại tài chính đối với nhà nước, ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại là 69 tỷ USD.

Nhiệm vụ cấp bách của Lebanon trong thời gian tới là thiết lập các cuộc đàm phán để ký thỏa thuận sơ bộ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một gói giải cứu nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Những vấn đề cần được đàm phán bao gồm việc tái cơ cấu ngành ngân hàng, kế hoạch phục hồi kinh tế, phê duyệt ngân sách cũng như dự luật về kiểm soát vốn. Tuy nhiên, kết quả bầu cử trên đẩy Quốc hội Lebanon vào tình trạng phân chia thành nhiều lực lượng, song không có lực lượng nào giành được đa số ghế tại cơ quan lập pháp. Điều này càng gây cản trở cho quá trình thông qua các cải cách cần thiết để vực dậy nền kinh tế Lebanon. Ông Randa Slim, thành viên cấp cao của Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington (Mỹ) nhận định, trừ khi phong trào Hezbollah và các lực lượng Lebanon đạt được một phương thức hợp tác rõ ràng, cụ thể, nếu không Lebanon sẽ bị mắc kẹt trong bế tắc chính trị với những hậu quả lâu dài về mặt kinh tế.

Lo ngại nguy cơ khủng hoảng chính trị tại Lebanon gia tăng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi quốc gia Trung Đông này nhanh chóng thành lập một chính phủ bao trùm để khẩn trương thông qua tất cả các đạo luật cần thiết, hướng tới mục tiêu ổn định nền kinh tế. Thủ tướng Lebanon Najib Mikati cũng kêu gọi các đảng phái nhỏ và nghị sĩ độc lập gạt bỏ bất đồng, nhanh chóng hợp tác trong quá trình đàm phán thành lập chính phủ liên hiệp vì tương lai của đất nước.

Theo các nhà bình luận, việc thiết lập khuôn khổ pháp lý để cải cách và tái cấu trúc ngành ngân hàng sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội và nội các Chính phủ mới. Tình trạng mất đoàn kết, bất ổn chính trị sẽ chỉ khiến con đường phía trước của Lebanon thêm u ám.

Quỳnh Dương