Nhạc sĩ Hoàng Long: “Các tác phẩm về Bác Hồ là tài sản tinh thần vô giá”

Văn hóa - Ngày đăng : 19:38, 19/05/2022

(HNMCT) - Là tác giả của hàng trăm ca khúc sáng tác cho thiếu nhi, nhạc sĩ Hoàng Long cùng người em song sinh là nhạc sĩ Hoàng Lân đã ghi dấu ấn với 2 ca khúc về Bác Hồ được nhiều người biết đến là: “Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác” và “Bác Hồ, người cho em tất cả”.

Đó cũng là 2 ca khúc nằm trong danh sách “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX” do Báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa học - Giáo dục Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp bình chọn vào năm 2000.

1. Một chiều tháng 5, tôi đến thăm nhạc sĩ Hoàng Long trong căn nhà nhỏ tại phố Ngô Quyền (quận Hà Đông, Hà Nội). Năm nay đã ở tuổi 80 nhưng nhạc sĩ vẫn còn sung sức, minh mẫn. Người ta thường gọi ông là “người biết tuốt” về âm nhạc quả không sai, bởi chỉ cần nhắc đến một bài hát nào đó là ông lại kể vanh vách về hoàn cảnh sáng tác cũng như tiểu sử của tác giả ấy.

Trong lịch sử âm nhạc, việc có anh em song sinh cùng theo con đường sáng tác âm nhạc là rất hiếm nên việc lấy tên chung trong một sáng tác, có lẽ trường hợp của hai nhạc sĩ Hoàng Long - Hoàng Lân là duy nhất. Lý giải về điều này, nhạc sĩ Hoàng Long cho biết, hai ông bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ rất sớm, năm 14 - 15 tuổi đã có sáng tác được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở chung một mái nhà, hai ông thường cùng nhau sáng tác, khi người này khởi thảo bản nhạc thì người kia góp ý, chỉnh sửa cho hoàn chỉnh. Sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), mỗi người công tác ở một đơn vị khác nhau, ở tỉnh, thành phố khác nhau nhưng nếp xưa vẫn giữ. Hai người vẫn thường xuyên thư từ trao đổi bản nhạc với nhau. Sau này cũng có những sáng tác riêng, nhưng do đã quen với bút danh này nên hai ông thống nhất cùng lấy tên là Hoàng Long - Hoàng Lân.

Theo nhạc sĩ Hoàng Long, việc sáng tác chung cũng có cái hay vì người này sẽ bổ sung cho những khiếm khuyết của người kia. Hơn nữa, việc xuất hiện cùng nhau trong một ca khúc đem đến sự tò mò, thú vị cho người nghe. Nhất là hai ông lại có sở trường sáng tác về âm nhạc thiếu nhi - đối tượng vốn rất hiếu kỳ, đam mê tìm tòi những điều mới lạ trong cuộc sống. Mặc dù vậy, sự giống nhau về hình dáng, khuôn mặt đến phong cách âm nhạc cũng đem đến cho hai ông những sự “phiền toái” nho nhỏ. Nhiều người, dù đã quen từ lâu nhưng vẫn nhầm lẫn người này với người kia.

2. Là tác giả của hơn 500 ca khúc về nhiều chủ đề khác nhau nhưng nhạc sĩ Hoàng Long vẫn coi những ca khúc về Bác Hồ là tài sản tinh thần vô giá của mình. Ca khúc “Bác Hồ, người cho em tất cả” được hai ông viết năm 1975 (phổ thơ Phong Thu), lấy cảm hứng từ xúc cảm trong trẻo của trẻ thơ: “Cho ánh nắng ban mai là những sớm bình minh/ Cho những đêm trăng đẹp là chị Hằng tươi xinh/ Cây cho trái và cho hoa, sông cho tôm và cho cá...”. Để rồi kết lại chuỗi tình cảm ấy chính là hình ảnh Bác Hồ - “người cho em tất cả”, người đã mang lại cuộc đời mới đầy tươi sáng, ước mơ. Thời điểm hai ông sáng tác ca khúc này là lúc đất nước vừa hòa bình, thống nhất với niềm tin và hy vọng về cuộc sống mới ấm no, đủ đầy hơn, chính vì thế ca từ thể hiện sự tri ân sâu sắc đến vị lãnh tụ kính yêu.

Sau đó 3 năm, hai ông tiếp tục cho ra mắt ca khúc “Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác”. Điều đặc biệt là bài hát về rừng nhưng lại bắt đầu từ... biển. Bài hát ra đời trong lần nhạc sĩ Hoàng Lân đi công tác tại miền biển huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Cụ thể là từ lời giới thiệu của Bí thư Huyện đoàn Hải Hậu: “Những học sinh ngoan, giỏi đều được thưởng một chuyến đi du lịch đến Thủ đô Hà Nội”, nhạc sĩ Hoàng Lân đã nảy ra ý tưởng: Em bé thiếu nhi miền núi đi qua bao suối, bao đèo về đến Hà Nội, được thăm nhiều di tích lịch sử, thăm Lăng Bác Hồ. Và khi trở về Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Lân đã hát cho nhạc sĩ Hoàng Long nghe đầu tiên, và nhạc sĩ Hoàng Long đã chỉnh sửa một vài chỗ để bản nhạc hoàn chỉnh.

Với ca từ trong sáng, giản dị, bài hát “Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác” như thay mặt các em nhỏ vùng Tây Bắc thể hiện tình cảm, sự yêu mến, trân trọng, ngưỡng mộ với vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Bài hát được lấy chất liệu từ bài dân ca “Chúng mình góp công nhỏ” của dân tộc Mường.  

Nhạc sĩ Hoàng Long tại phòng thu Đài Tiếng nói Việt Nam.

3. Nhạc sĩ Hoàng Long được giới nghiên cứu và những người yêu nhạc trân trọng gọi bằng cái tên dễ mến: Nhạc sĩ của tuổi thơ. Cả cuộc đời ông gắn bó với 3 công việc chính là sáng tác, giảng dạy, nghiên cứu và đều liên quan đến âm nhạc thiếu nhi. Ông chia sẻ, sở dĩ bản thân gắn bó với âm nhạc thiếu nhi là vì ông là thầy giáo, công tác trong ngành Giáo dục lâu năm, thường tiếp xúc với nhà trường, học sinh ở các lứa tuổi khác nhau. Một phần nữa là đối với trẻ em, toàn dân đều rất yêu quý và ông không là ngoại lệ. “Có thể dùng 2 từ để miêu tả cảm xúc của tôi khi viết nhạc cho thiếu nhi là: Đắm chìm. Khi tôi viết một ca khúc thì mỗi ca từ, mỗi nốt nhạc luôn văng vẳng trong đầu tôi hàng tuần lễ. Cứ viết rồi lại sửa, cứ thế cho tới khi nào tôi thật sự hài lòng về nó thì mới thôi” - nhạc sĩ Hoàng Long chia sẻ.

Tâm huyết, trách nhiệm với âm nhạc thiếu nhi, nhạc sĩ Hoàng Long cũng băn khoăn khi nhận thấy âm nhạc thiếu nhi đang có những lỗ hổng. Theo ông, hiện nay, mảng sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi dường như bị bỏ trống, sân chơi âm nhạc của thiếu niên đang bị “thị trường hóa”, “già hóa”. Nhiều trò chơi âm nhạc dành cho thiếu nhi song lại bắt các em hát những ca khúc mùi mẫn, sầu bi hoặc hóa thân thành những thần tượng xa lạ với lứa tuổi các em. Đó là sân khấu của người lớn, không có sự hồn nhiên trẻ thơ. Hơn nữa, việc sáng tác nhạc cho thiếu nhi chưa được các nhạc sĩ quan tâm. Theo ông, sáng tác cho thiếu nhi, muốn thành công thì đề tài phải gần gũi với các em, ca từ và giai điệu phải dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hát.

Trong tập sách nhạc mới nhất của ông và người em song sinh mang tên “Bài ca trên những nẻo đường đất nước” (Nhà xuất bản Thanh niên, năm 2019), ông tâm sự: “Viết nhạc, nhất là viết ca khúc, nếu chỉ ở cố định một nơi, một chỗ thì sẽ rất bí đề tài, rất khó viết”. Bởi thế mà năm nay dù đã ở tuổi 80 nhưng ông vẫn thường rong ruổi đến nhiều vùng đất để tìm cho mình cảm hứng sáng tác. Với ông, sáng tác âm nhạc là công việc không có tuổi nghỉ hưu, cứ khi nào còn sức khỏe là còn viết, còn đam mê.

Nhạc sĩ Hoàng Long sinh năm 1942 tại thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, quê gốc ở Sơn Tây (Hà Nội). Ông từng tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và công tác nhiều năm tại Viện Khoa học Giáo dục (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ông đã 5 lần tham gia viết sách giáo khoa âm nhạc theo lời mời của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ngoài ra, ông còn tham gia giảng dạy âm nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương.

Triệu Sơn