Cấp thiết nâng cấp đê Biển Tây ở Cà Mau
Công nghệ - Ngày đăng : 07:15, 20/05/2022
Đối mặt nhiều thách thức
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình hình sạt lở 3 mặt bờ biển tỉnh Cà Mau diễn biến phức tạp và khó lường. Trong số 254km bờ biển từ Đông sang Tây của tỉnh, đã có 189km trong tình trạng sạt lở. Quan trắc sạt lở ở bờ Biển Tây cho kết quả, bình quân sạt lở từ 20 đến 25m/năm, cá biệt có nơi lên đến 50m/năm; ở Biển Đông bình quân từ 45 đến 50m/năm.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, tỉnh có 3 mặt giáp biển. Toàn tuyến đê Biển Tây có chiều dài khoảng 103km, trong đó ngoài gần 52km đê được kiên cố hóa, còn có hơn 26km đê đất, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Tổng chiều dài kè bảo vệ bờ biển của tỉnh là hơn 56km. “Hiện tại, các tuyến kè bảo vệ bờ biển cơ bản ổn định, nhưng luôn bị uy hiếp bởi sóng to, gió lớn. Còn những đoạn đê biển đắp bằng đất luôn bị sóng lớn đe dọa, nhất là khi triều cường, nước biển dâng xảy ra ngày càng nghiêm trọng”, ông Nguyễn Long Hoai thông tin.
Khảo sát thực địa của phóng viên tại đoạn đê Biển Tây từ thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đến thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) dài hơn 23km cho thấy, chiều cao đê chỉ khoảng từ 1,3 đến 1,6m. Trong khi đó, đợt triều cường ngày 25-2-2022 vừa qua đã đạt đỉnh hơn 1,3m. Nước biển tràn đê tại khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, khiến nhiều hộ nuôi tôm bị thiệt hại. Theo ông Nguyễn Long Hoai, đoạn đê Biển Tây từ thị trấn Sông Đốc đến Cái Đôi Vàm nêu trên đã được UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ đầu tư, nâng cấp từ năm 2019, nhưng chưa được thực hiện.
Ông Huỳnh Văn Trại, người dân ngụ tại khóm 5 (thị trấn Cái Đôi Vàm) chia sẻ: “Những năm trước, triều cường lớn thường chỉ xảy ra 1 lần/năm, nhưng bây giờ có khi đến 2-3 lần, khiến chúng tôi không kịp trở tay ứng phó. Đoạn đê biển này đã qua 20 năm sử dụng, chưa được kiên cố hóa, nay đã sạt lở, xuống cấp nhiều, khó có thể chống đỡ được sóng to, gió lớn. Chúng tôi mong Nhà nước sớm nâng cấp tuyến đê này để người dân yên tâm sinh sống”.
Cần hỗ trợ kịp thời
Để khắc phục và hạn chế phần nào tình trạng sạt lở đê biển, tỉnh Cà Mau đang triển khai đầu tư xây dựng thêm 26km đê Biển Tây, nối với hơn 51km đê biển đã được xây dựng, với tổng vốn giai đoạn 1 khoảng 486 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 41km kè bờ Biển Tây. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, toàn tuyến bờ Biển Đông của tỉnh chưa được đầu tư hệ thống đê bao. Trên phạm vi toàn tỉnh, cơ quan chức năng đã cắm 541 biển cảnh báo sạt lở trên 365 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm để cảnh báo, bảo đảm an toàn cho người dân.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương tiếp tục đầu tư hệ thống kè, đê biển để bảo vệ tính mạng, tài sản, sản xuất của người dân và khôi phục rừng phòng hộ ven biển; xem xét việc nâng cấp đê Biển Tây tỉnh Cà Mau từ đê cấp IV lên đê cấp III cho phù hợp thực tế.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, việc nâng cấp tuyến đê Biển Tây là rất cấp thiết, bởi mỗi khi gió mùa Tây Nam hoạt động, sóng lớn và triều cường từ Biển Tây thường đánh thẳng vào bờ, đe dọa gây sụt lún, thậm chí vỡ đê biển ở những nơi xung yếu, ảnh hưởng đến đời sống và canh tác của người dân.
Thực tế tại những đoạn đê biển đã được nâng cấp, như tuyến đê Biển Tây từ cống Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) về đến bờ Bắc thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Tuyến đê được đắp cao đến 3m, mặt đê có đường bê tông rộng hơn 6m, vừa ngăn nước biển tràn vào đồng ruộng, vừa tạo thuận lợi cho người và phương tiện qua lại, giúp lưu thông hàng hóa, góp phần nâng cao chất lượng sống của bà con.
Trong buổi làm việc ngày 14-5 vừa qua với Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại tỉnh Cà Mau do Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài làm Trưởng đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã kiến nghị: “10 năm qua, mới có khoảng 20% hệ thống đê biển của Cà Mau được nâng cấp. Trong lúc nguồn lực địa phương còn hạn chế thì đơn cử mức kinh phí 700 tỷ đồng cho việc nâng cấp hoàn chỉnh 23km đê biển từ Sông Đốc đến Cái Đôi Vàm là quá khả năng của tỉnh. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ, chi viện kịp thời từ Trung ương”.