Đừng để “nước đến chân mới nhảy”

Giao thông - Ngày đăng : 06:29, 21/05/2022

(HNM) - Đã qua gần nửa năm gia hạn thời điểm hoàn thành lắp camera giám sát hành trình trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhưng đến nay vẫn có nhiều đơn vị vận tải chưa lắp đặt. Để khắc phục sự chậm trễ này, các cơ quan chức năng vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, vừa kết hợp kiểm tra, xử lý nghiêm minh các đơn vị vận tải không chấp hành để không lâm vào cảnh "nước đến chân mới nhảy".

Lắp camera giám sát hành trình trên xe ô tô góp phần bảo đảm an toàn giao thông. Ảnh: Ngân Thùy

Chậm trễ thực hiện

Theo Nghị định số 10/2020/ NĐ-CP ngày 17-1-2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đến trước ngày 1-7-2021 các xe ô tô kinh doanh vận tải chở khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe container, xe đầu kéo phải hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát hành trình trên phương tiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP tạm dừng xử phạt việc các xe ô tô thuộc dạng trên chưa lắp camera đến hết ngày 31-12-2021 nhằm hỗ trợ các đơn vị vận tải có thêm thời gian chuẩn bị và phục hồi sau dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo thống kê gần nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước có hơn 200.000 xe ô tô thuộc diện phải lắp camera giám sát nhưng đến nay mới có khoảng 150.000 xe (đạt 72%) đã lắp đặt và truyền dữ liệu về hệ thống xử lý của đơn vị này. Số liệu của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đến ngày 19-4 cho thấy, vẫn còn gần 22.000/34.200 xe chưa lắp camera theo quy định, trong đó đa phần là xe hợp đồng (hơn 18.000 xe).

Khi được hỏi về nguyên nhân của sự chậm trễ này, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã nêu lên những lý do riêng. Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Tuyên Dũng (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) Vũ Văn Tuyên cho biết, trong 2 năm đối phó dịch Covid-19 với nhiều lần thực hiện quy định giãn cách xã hội, hoạt động của công ty gần như đóng băng. Hiện nhịp sống đã trở lại nhưng công ty cũng chỉ có việc cho nửa số xe hoạt động. Do đó, doanh nghiệp chỉ lắp camera trên các phương tiện hoạt động để tiết kiệm chi phí.

Còn đại diện Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Bảo Vân (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) chia sẻ, doanh nghiệp đã chấp hành lắp đặt thiết bị định vị GPS theo Nghị định số 86/ 2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô từ năm 2018. Trong điều kiện khó khăn của ngành kinh doanh vận tải hiện nay, doanh nghiệp còn đang cân nhắc, tính toán việc lắp thêm thiết bị camera song song với thiết bị GPS hay sử dụng một thiết bị tích hợp nhằm bảo đảm yêu cầu, tránh lãng phí cho doanh nghiệp.

Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội kiểm tra phương tiện vận tải hành khách tại Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông).  Ảnh: Lê Khánh

Siết chặt quản lý

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết, tính đến cuối năm 2021, Sở đã 4 lần gửi công văn đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tiếp tục triển khai Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và Nghị quyết số 66/NQ-CP trước ngày 31-12-2022. Đến nay, Sở tiếp tục gửi công văn tăng cường thực hiện các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đối với các đơn vị chưa lắp camera cần khẩn trương thực hiện và báo cáo số liệu định kỳ vào ngày 20 hằng tháng. Các đơn vị đã lắp camera thường xuyên theo dõi quản lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn các hành vi vi phạm như: Tắt thiết bị, che màn hình camera…

Thời gian qua, các ban, ngành, cơ quan chức năng của thành phố đã có nhiều biện pháp nhằm tăng cường kiểm tra, quản lý, trong đó đề cao việc tuyên tuyền cho lái xe tuân thủ quy định. Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Lý Trường Sơn cho biết, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, vận động lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải lắp camera trên xe, đồng thời phối hợp với Thanh tra giao thông và lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra các phương tiện trước khi xuất bến và trong quá trình khai thác kinh doanh vận tải theo các quy định. Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Cao Văn Hiệp thông tin, từ ngày 1-1-2022 đến nay, Thanh tra Sở đã bố trí lực lượng tại 6 bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm, Sơn Tây để kiểm tra việc thực hiện lắp camera. Thực tế cho thấy, hầu hết các phương tiện đang hoạt động đều chấp hành quy định. Một số trường hợp lắp sai vị trí, không lưu trữ đầy đủ dữ liệu… đều được hướng dẫn khắc phục.

Gần đây nhất, Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải đã đề nghị Thanh tra các Sở Giao thông - Vận tải xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến camera giám sát trên xe ô tô kinh doanh vận tải từ ngày 20-5 đến ngày 20-6-2022. Cùng với đó, các trung tâm kiểm định xe cơ giới cũng phối hợp thực hiện Nghị định số 10/2020/NĐ-CP bằng biện pháp không cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho xe ô tô chưa lắp camera. Đây là những động thái quyết liệt để doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lái xe phải lắp camera giám sát theo quy định.

Nhóm phóng viên