Truy xuất nguồn gốc nông sản: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:43, 21/05/2022
Hiệu quả kinh tế cao
Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám cho biết, hiện nay, việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã được thực hiện đồng bộ với các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị lớn và sàn giao dịch thương mại điện tử. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc đã giúp sản phẩm rau của hợp tác xã minh bạch thông tin trên thị trường. Nhờ đó, nguồn rau của hợp tác xã tiêu thụ ổn định trong mọi tình huống, sản lượng khoảng 3 tấn/ngày, cung cấp, phân phối cho nhiều hệ thống siêu thị lớn (Big C, T-mart…), các bệnh viện lớn, các trường học... Sau khi trừ chi phí, mỗi năm hợp tác xã thu hơn 11 tỷ đồng.
Cũng về vấn đề này, theo bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng), toàn bộ sản phẩm rau của hợp tác xã đều sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ (tem, túi đựng sản phẩm). Việc này giúp hợp tác xã minh bạch thông tin tới người tiêu dùng về quy trình sản xuất, ngày thu hoạch và hạn sử dụng. Hiện, đầu ra của hợp tác xã là các trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng và cung cấp cho chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, 6 chợ đầu mối trong vùng...
Đánh giá về hiệu quả của việc thực hiện phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, hiện nay hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thành phố đã hoàn thiện thủ tục quản lý và minh bạch thông tin của 653 doanh nghiệp với hơn 10.925 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
“Thực tế cho thấy, việc các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia ứng dụng sử dụng mã QR đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường. Qua đánh giá từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi có tem nhãn đều bán được giá cao hơn sản phẩm sản xuất truyền thống 10-30%. Mặt khác, hệ thống điện tử (www.hn.check.vn và www.check.gov.vn) ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi từng bước nâng cao năng lực cho hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng sản phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc mặt hàng nên yên tâm về chất lượng”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Hiện nay, hiệu quả của việc ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho hiệu quả rất lớn, nhưng trong quá trình phát triển còn nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, các cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện quy mô còn nhỏ, ít vốn, việc mua sắm trang thiết bị áp dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến còn hạn chế; nhận thức của một số cơ sở về sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ hoặc tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản còn chậm...
Để tháo gỡ khó khăn trong việc ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua kiến nghị các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, đưa thông tin lên hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc của thành phố Hà Nội; đồng thời, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản với các doanh nghiệp để đưa vào kênh bán hàng hiện đại. Cùng với đó, bản thân hợp tác xã sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ việc ghi chép nhật ký sản xuất hằng ngày của nông dân, sau đó nhập lên hệ thống để quản lý nguồn gốc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện tăng cường quản lý chặt chẽ về an toàn thực phẩm, đẩy mạnh ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ mã QR; phấn đấu 100% cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện được đào tạo kiến thức để triển khai và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, hàng hóa. Mặt khác, huyện hỗ trợ các hợp tác xã tham gia hội chợ trưng bày, kết nối sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ.
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để đạt mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội xây dựng được 50 liên kết chuỗi đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với các vùng sản xuất chuyên canh tập trung của thành phố, trong đó 100% liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn được ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng, thành phố sẽ có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ liên kết hợp tác trong sản xuất; sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn có truy xuất nguồn gốc; ứng dụng kinh doanh thương mại điện tử nhằm tăng cường khả năng phân phối, lưu thông hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng tới xuất khẩu…