Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai

Chính trị - Ngày đăng : 22:19, 21/05/2022

Tối 21-5, tại thành phố Pleiku, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932 - 24/5/2022) và công bố, đón nhận Bằng di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh Gia Lai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Cùng dự có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; các tổ chức quốc tế; đại diện lãnh đạo các tỉnh bạn trong khu vực và các tỉnh của các nước bạn Lào, Campuchia. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Diễn văn kỷ niệm do Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên trình bày cho biết, Gia Lai là vùng đất cổ xưa, từ “thuở bình minh” của loài người đã có mặt những tộc người cổ đến chinh phục và khai phá miền đất cao nguyên hùng vĩ. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Gia Lai đã có nhiều biến đổi, tạo nên sự đa dạng về thành phần các dân tộc, trong đó, hai dân tộc sinh sống lâu đời ở vùng đất này là dân tộc Jrai và Bahnar.

Ngày 24-5-1932, tỉnh Pleiku được thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Địa danh Gia Lai chính thức xuất hiện từ ngày 12-12-1932 với việc Vua Bảo Đại ra Chỉ dụ lập đạo Gia Lai. Sau đó, tỉnh trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách và từ năm 1991 tỉnh trở lại với tên Gia Lai cho đến ngày nay.

Trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử với những lần sáp nhập, chia tách, mảnh đất Gia Lai đã có hàng chục năm thuộc quyền cai trị của chế độ thực dân - phong kiến và đế quốc nên vô cùng nghèo nàn, lạc hậu.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào các dân tộc Gia Lai đã có niềm tin, anh dũng vượt qua biết bao khó khăn, thử thách. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều tên đất, tên người Gia Lai đã đi vào lịch sử như chiến thắng Đak Pơ, trận đánh Cầu Suối Vối, Cầu Rộc Dứa... trong kháng chiến chống Pháp; những người con anh hùng như Đinh Núp, A Sanh, Kpă Klơng, Thanh Minh Tám, Rơ Chăm Ớt... và những chiến thắng Plei Me, Cheo Reo, Phú Bổn… trong kháng chiến chống Mỹ.

Quang cảnh Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, với tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Gia Lai đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên. Từ một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cơ sở hạ tầng thấp kém, kinh tế lạc hậu, tự cung tự cấp, Gia Lai đã từng bước hồi sinh, phát triển mạnh mẽ.

Cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển khá đồng bộ, trong đó hạ tầng giao thông với các tuyến quốc lộ 14, 19, 25, 78, đường Hồ Chí Minh, đường biên giới, sân bay... tạo điều kiện kết nối khu vực và cả nước. Cơ cấu kinh tế của Gia Lai đã và đang chuyển dịch phù hợp, hiệu quả. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì bình quân gần 8%/năm giai đoạn 2015-2020. Năm 2021, GRDP đạt hơn 88 ngàn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trên 56 triệu đồng, năm sau cao hơn năm trước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh (năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,96%).

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; y tế, giáo dục và đào tạo đều có những bước tiến vững chắc, đã thực sự làm thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng; môi trường được đảm bảo, xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả tích cực.

Quốc phòng được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; đối ngoại được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp đã có chuyển biến tích cực. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể không ngừng được đổi mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.

Qua 90 năm đấu tranh, xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Sao vàng; 4 Huân chương Hồ Chí Minh và hàng ngàn phần thưởng cao quý khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai đã kiên trì phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng, tự hào, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Thủ tướng cho rằng, giai đoạn phát triển mới mở ra cho Gia Lai những cơ hội phát triển đầy triển vọng. Những tiềm năng, lợi thế của Gia Lai cần được đánh thức gồm không gian xanh, hùng vĩ, trong trẻo; đất đai màu mỡ; nắng, gió đong đầy; tài nguyên, khoáng sản phong phú; hoa thơm, trái ngọt; tiếng thông reo, tiếng suối chảy; tiếng cồng chiêng ngân vang; đặc biệt là những nét văn hóa bản sắc độc đáo và những giá trị cao đẹp của con người Gia Lai đôn hậu, mộc mạc, nghĩa tình, chăm chỉ và sáng tạo…

Theo Thủ tướng, để những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực to lớn đó được phát huy, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Gia Lai trở thành một tỉnh giàu mạnh, người dân được sống trong sung túc, bình yên và hạnh phúc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Gia Lai cần nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, không ngừng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu của năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai tiếp tục gìn giữ, củng cố và vun đắp cho khối đoàn kết, tính thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận giữa các dân tộc; thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.

Tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI; đồng thời tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành việc tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng, trong đó có trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo kế hoạch và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị tỉnh Gia Lai tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân gắn với tăng cường năng lực, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, đam mê, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ. Phát huy tinh thần dân chủ, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần làm tốt công tác quy hoạch theo hướng phát triển bền vững. Đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa, kết nối vùng và vươn ra thế giới. Tiếp tục khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung đầu tư phát triển du lịch, năng lượng tái tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII vừa ban hành. Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ cao theo chuỗi chế biến, bảo quản, tiêu thụ, liên kết, giảm thiểu tình trạng dư thừa sản phẩm khi được mùa, rớt giá… ảnh hưởng đến đời sống đồng bào. Tập trung ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.

Chương trình biểu diễn văn nghệ chào mừng tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, tỉnh phải quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11-2021. Phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng anh hùng, tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc. Tập trung giữ gìn, phát triển và khai thác các giá trị văn hóa bản sắc độc đáo. Gắn phát triển văn hóa với du lịch và tăng tính kết nối vùng.

Thủ tướng lưu ý tỉnh cần có kế hoạch cụ thể, hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng, bởi nói đến văn hóa Tây Nguyên là nói đến văn hóa gắn với rừng. Khuyến khích đầu tư mạnh mẽ cho y tế và giáo dục, chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao. Hoàn thiện mạng lưới an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, gia đình chính sách, người yếu thế.

Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh phải coi việc củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai được xác định giữ vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại. Phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của Gia Lai trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Thủ tướng cho rằng, Gia Lai có một lịch sử đáng tự hào, một tương lai đầy triển vọng; với những thành tựu đạt được, những kinh nghiệm đã tích lũy được suốt mấy chục năm xây dựng, trưởng thành, nhất là với những tiềm năng, lợi thế sẵn có; tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai sẽ từng bước vượt qua khó khăn, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên tất cả các mặt, xứng đáng là một trong những địa phương phát triển bền vững, toàn diện ở Tây Nguyên và cả nước.

Thủ tướng khẳng định, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội luôn đồng hành, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Gia Lai phát triển, giàu mạnh.

Tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu chứng kiến lễ công bố, trao Bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng; Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo; Di tích quốc gia Rộc Tưng - Gò Đá.

* Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cán bộ lão thành cách mạng, 75 năm tuổi Đảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Ngô Thành hiện đang nghỉ hưu tại phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Thủ tướng thông báo với đồng chí Ngô Thành tình hình trong nước và quốc tế; chúc đồng chí Ngô Thành luôn mạnh khỏe, tiếp tục giáo dục con, cháu giữ gìn, phát huy truyền thống gia đình và truyền thống quê hương; tiếp tục quan tâm, đóng góp kinh nghiệm quý báu của mình, giúp lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, quản lý, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

* Thăm nữ thương binh hạng 3/4 Y Thu, dân tộc Xê Đăng ở phường Trà Bá, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Thủ tướng Phạm Minh Chính ân cần hỏi thăm sức khỏe và đời sống của nữ thương binh; khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ công lao, sự hy sinh của các thương bệnh binh, các liệt sĩ, người có công với cách mạng; mong thương binh Y Thu giữ gìn sức khỏe, tiếp tục giáo dục con cháu và động viên bà con địa phương giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, có công với cách mạng, trong đó có gia đình thương binh Y Thu; đảm bảo các gia đình chính sách có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú.

Theo TTXVN